Người yêu tiếng Việt đến… tuyệt đỉnh

(VOV5) - Phải có lòng quý yêu, say mê tiếng mẹ đẻ đến độ tột cùng, người thầy thuốc ấy mới có thể hoàn tất được công trình ngôn ngữ mang tên "Từ điển nguồn gốc tiếng Việt" rất nặng trên tay người xa xứ sở.

Nếu như chỉ làm phận sự một người thấy thuốc bình thường như hàng trăm bác sĩ tư khác kiếm sống bằng nghề y ở Mỹ thì có lẽ bác sĩ Nguyễn Hy Vọng đã không "cộng hưởng" được lòng kính phục, cảm phục và quý yêu của hàng ngàn hàng vạn người định cư sinh sống ở phương Tây nhưng không nguôi quên tiếng mẹ đẻ, đặc biệt những người thường nhật lấy chữ làm công cụ tư duy và phương tiện duy nhất trình bày tư tưởng tình cảm và truyền đạt kiến thức của mình qua nghệ thuật ngôn từ. Đó là các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dạy văn, dạy sử Việt ở xứ người.



Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng "cộng hưởng" được  nhân tâm người xa xứ bởi ông đã bỏ ra trên ba mươi năm trời, từ đầu thập kỷ tám mươi thế kỷ hai mươi vắt qua hơn mười năm tiếp theo của thế kỷ hai mươi mốt, để làm cái việc kỳ công, nặng nhọc là hoàn tất: biên soạn bộ "Từ điển nguồn gốc tiếng Việt", đặt tiếng Việt trong mối tương quan chặt chẽ với 57 ngôn ngữ Nam Á và Đông Nam Á, khảo sát tới 275 ngàn đơn vị từ đơn đồng nguyên-cùng gốc. Ví như tiếng, từ đơn"gió" chẳng hạn. Tiếng Mường, tiếng Lào, tiếng Khơ Me... đều phát âm "na ná" như tiếng Việt; khác chăng có lẽ chỉ còn ở "phụ âm, tiếng…. gió "khờ" "phờ" "tờ" "cờ" thoảng qua… như phụ âm  gió" mà thôi. Nhà thơ Trần Mộng Tú ở Mỹ dẫn một bài thơ lục bát tưởng trăm phần trăm của người Việt, hóa ra là của người Khơ Me, có những câu đại loại như: "Lời ru thành ngọn "gió" đưa - Quạt anh ve vuốt giấc mơ vợ hiền…" Mười bốn âm đơn trên sáu dưới tám đọc lên, ngâm lên theo ngữ âm một số tộc người Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có âm "gió" nghe na ná như tiếng Việt!. Nhà thơ còn dẫn ra hai từ đơn "săn" và "sóc" thành từ kép "săn sóc" trong câu "săn sóc sức khỏe cho cá nhân và cho mọi người" chẳng hạn. Hóa ra tiếng Thái  "Săn-t" là theo dõi xem cái gì đó,việc gì đó. Tiếng Khơ Me "So-k" là sức khỏe. Không cùng tự dạng "mặt chữ" nhưng  gần như đồng âm bởi nhiều ngôn ngữ Nam Á và Đông Nam Á với ngôn ngữ Việt có quan hệ mật thiết, quá nhiều tiếng, nhiều từ đơn chung một gốc.

Người yêu tiếng  Việt đến… tuyệt đỉnh - ảnh 1



Khảo sát ngôn ngữ, nghiên cứu tiếng nói của nhiều tộc người, bác sĩ Nguyễn Hy Vọng không chọn con đường từ sách vở đến sách vở, từ kinh viện đến… kinh viện mà từ chính cuộc sống ngôn ngữ diễn ra thường ngày trong cộng đồng đa sắc tộc Nam Á và Đông Nam Á ở Mỹ. Đầu thập kỷ tám mươi thế kỷ hai mươi, ông "giã từ" thủ đô nước Mỹ, dời về định cư, lập nghiệp ở Seatte. Nơi đây có nhiều bà con người Lào, người Thái, người Nùng, người Việt, người Hoa tụ cư. Ông bác sĩ hành nghề thầy thuốc nhưng mỗi ngày khoan nhặt vài ba người bệnh, còn hầu như mối quan tâm duy nhất của ông là bắt đầu để ý đến hiện tượng nhiều từ, nhiều tiếng, ba bốn tộc người nói… giống nhau, dù không hoàn toàn thì cũng…tương tự. Nên người thầy thuốc yêu quý tiếng Việt, say mê tiếng mẹ đẻ đặt ra cho mình một công việc của một nhà ngôn ngữ học… chuyên nghiệp: tìm từ căn, từ gốc trong tiếng nói của những tộc người cổ xưa chắc rất gần nhau. Gần nhau trong tiếng nói.

Người yêu tiếng  Việt đến… tuyệt đỉnh - ảnh 2
Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng với các nữ sinh Liên Trường Pleiku.Ảnh: Pleiku Phố Núi)


Việc ông về Ninh Bình giành hàng tháng trời học tiếng Mường qua người cháu của ông  thông thạo ngôn ngữ này là thêm một dẫn liệu nữa chứng minh ông khảo sát ngôn ngữ mẹ đẻ từ thực tiễn đời sống ngôn ngữ Việt đa sắc tộc đang diễn ra. Đó là thứ ngôn ngữ sống, ngôn ngữ tươi rói như cuộc đời con người hàng ngày xung quanh ta, chẳng hề là thứ "tử ngữ" trong sách vở kinh viện. Hình dung một vị thầy thuốc ngoài hành nghề kiếm sống, lập thân có tính cách tự nhiên và… bắt buộc ở xứ người, còn giành ra một "khối thời gian trên ba mươi năm", đặc biệt "một khối nhiệt tâm và công sức" để khảo sát, thống kê, gom nhặt 275 ngàn từ đơn rồi làm công việc so sánh với từ, tiếng Việt "cùng gốc"; quả là việc làm đáng kính phục, ngưỡng mộ. Phải có lòng quý yêu, say mê tiếng mẹ đẻ đến độ tột cùng, người thầy thuốc ấy mới có thể hoàn tất được công trình ngôn ngữ mang tên "Từ điển nguồn gốc tiếng Việt" rất nặng trên tay người xa xứ sở.

Nhà thơ Trần Mộng Tú ở Mỹ tưởng tượng một ông già cao gầy, gương mặt khắc khổ, nhân hậu, tóc bạc trắng thồ gánh chữ leo lên đồi cao trong chiều chạng vạng, quay lưng về phía mặt trời đang rơi rơi… "hạ thổ": Còng lưng gánh chữ lên đồi/ Mới hay gánh cả mặt trời sau lưng!

Tôi muốn suy tưởng rằng đấy là mặt trời ngôn ngữ Việt, mặt trời văn hóa tinh thần Việt. Vì hoàn cảnh có phần đặc biệt, nó có thể tạm thời mất đi giữa môi trường ngôn ngữ bản xứ, tựa như đêm về, mặt trời khuất dấu. Nhưng rồi sáng mai, mặt trời lại hừng lên chân trời tâm cảm người Việt. Liên tưởng đến lời bình nghị truyện Kiều của học giả Phạm Quỳnh, tôi xin mượn ý tưởng của cụ để "mở rộng nghĩa" câu nói nổi tiếng của… người xưa: tiếng Việt còn nước Việt còn! Còn người yêu tiếng mẹ đẻ, còn người yêu "tiếng nước tôi" đến tuyệt đỉnh thì nước tôi mãi mãi trường tồn! Không có một thế lực hắc ám nào xóa nổi văn hóa tinh thần Việt, xóa nổi ngôn ngữ Việt trên tấm bản đồ văn hóa văn minh nhân loại thời hiện đại! ./.

Phản hồi

Các tin/bài khác