(VOV5) - Chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam, ngày 11/1, Báo Nhân Dân có bài viết: Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội -Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (tháng 3/1929). Ảnh: dangcongsan.vn |
Sau nhiều năm bôn ba khắp 5 châu 4 biển, vừa lao động, kiếm sống vừa nghiên cứu lý luận và thực tiễn các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc nhận ra một chân lý, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản và để thực hiện mục tiêu đó, phải có đảng cách mạng. Từ đó, Người sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 6-1925); tích cực huấn luyện cán bộ, tổ chức truyền bá tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam qua các phong trào công nhân, phong trào yêu nước. Với sự phát triển mạnh mẽ của các phong trào cách mạng Việt Nam, tháng 3/1929, tại nhà số 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập. Chủ trương là tích cực vận động thành lập một Ðảng Cộng sản, thay Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, để lãnh đạo cách mạng. Ba tháng sau, ngày 17/6/1929, tại nhà số 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đại biểu các tổ chức cơ sở Đảng ở miền Bắc, họp và quyết định thành lập Ðông Dương Cộng sản Ðảng. Sau đó, tháng 8/1929, An Nam Cộng sản Ðảng được thành lập ở Nam Kỳ và ngày 1/1/1930, Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập.
Chỉ một thời gian ngắn, ở Việt Nam có 3 tổ chức cộng sản ra đời phản ánh tất yếu của xu thế cách mạng lúc bấy giờ, nhưng cũng báo hiệu nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ. Thực tiễn yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam là cần có một Ðảng Cộng sản thống nhất lãnh đạo trong cả nước. Theo đề nghị của Quốc tế Cộng sản và với tư cách là phái viên của tổ chức này, Nguyễn Ái Quốc triệu tập, chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng. Từ ngày 6/1 đến đầu tháng 2/1930, Hội nghị họp tại Cửu Long, Hồng Công (Trung Quốc), với sự tham dự của các đại biểu Ðông Dương Cộng sản Ðảng và An Nam Cộng sản Ðảng, nhất trí hợp nhất hai tổ chức cộng sản này, thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Ðiều lệ vắn tắt của Ðảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Hội nghị chủ trương xây dựng các tổ chức Công hội, Nông hội, Hội phản đế và Hội cứu tế. Ngày 3/2/1930 chính thức là Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Sau Hội nghị này, ngày 24/2/1930, Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn đã đề nghị và được chấp nhận nhập vào Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Gắn liền với tên tuổi Nguyễn Ái Quốc, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp ở Việt Nam; kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong những năm đầu thế kỷ 20. Sự kiện lịch sử trọng đại này đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ dài bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước. Từ đây, Cách mạng Việt Nam chuyển sang một thời kỳ phát triển mới.