(VOV5) - Sáng 28/01, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục thảo luận các văn kiện đại hội.
Một trong những nội dung được đề cập khi thảo luận văn kiện là nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại đại hội, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái, khẳng định Yên Bái luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Yên Bái đã giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày tham luận về "Quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội" tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: baochinhphu.vn |
Tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp giảm nghèo, sáng tạo, hiệu quả, tạo sự thay đổi căn bản về nhận thức nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số về công tác giảm nghèo. Đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái, cho rằng
"Trung ương tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi; trong đó, ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia; các công trình dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục bố trí nguồn lực sớm hoàn thành việc sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất."
Giới thiệu sản phẩm nông sản sạch của phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: PV/Vietnam+ |
Trước đó, trong phiên thảo luận chiều 27/1, cũng đề cập mục tiêu xóa đói giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh để trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội trên quan điểm con người là mục tiêu, động lực của phát triển và là trung tâm của chính sách xã hội.
"Triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống, chỉ số hạnh phúc của người dân; tích hợp các chính sách giảm nghèo, giảm chính sách hỗ trợ trực tiếp, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về thu nhập, mức sống, điều kiện sống của người nghèo so với bình quan chung cả nước. Tập trung giảm nghèo bền vững vùng lõi nghèo, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi."- Ông Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng cũng cho rằng việc kiến tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, hội nhập và hiệu quả; phát triển việc làm bền vững là cần thiết; đảm bảo cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế; phát triển trợ giúp xã hội toàn diện và đa dạng, phù hợp với vòng đời con người.