Người dân là trung tâm trong chính sách phát triển

(VOV5) - Một trong những nội dung được đề cập tại phiên họp là khơi dậy sức mạnh dân tộc, coi trọng quan điểm lấy dân làm gốc.
Người dân là trung tâm trong chính sách phát triển  - ảnh 1Ngày làm việc thứ ba, Đại hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về các dự thảo Văn kiện - Ảnh: VGP

Ngày 27/1, ngày làm việc thứ ba của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận các văn kiện đại hội.

Buổi sáng, phiên họp diễn ra dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Một trong những nội dung được đề cập tại phiên họp là khơi dậy sức mạnh dân tộc, coi trọng quan điểm lấy dân làm gốc.

Trình bày tham luận sáng 27/1, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN), nêu vấn đề đất nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề mới, sự phát triển đa dạng, năng động và yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong khi đó, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày một gia tăng; phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội diễn ra rõ nét. Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN, thời gian tới, hoạt động của Mặt trận hướng mạnh về cơ sở; tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào trong nước và đồng bào ở nước ngoài, cùng hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.

Người dân là trung tâm trong chính sách phát triển  - ảnh 2Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham luận tại Đại hội - Ảnh: VGP

Cũng đề cập tầm quan trọng của việc khơi dậy sức dân, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó trưởng Ban dân vận Trung ương, cho rằng: "Một trong những bài học quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử là bài học lấy dân làm gốc, phát huy vai trò làm chủ, sức sang tạo và nguồn lực của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước đòi hỏi của thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững của Đảng, càng chú trọng tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo nên sự đồng lòng trong các phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, cũng nhấn mạnh: "Có 2 vấn đề lớn của văn kiện Đại hội về mặt ý luận. Thứ nhất là nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng. Thứ hai là nhấn mạnh vai trò dân là gốc,là trung tâm, là chủ thể, vừa tham gia vừa thụ hưởng thành quả của phát triển. Đây chính là chủ nghĩa xã hội.Bởi vì chúng ta muốn một dân tộc với khát vọng phát triển vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu nhưng đồng thời là dân tộc mà người dân được hưởng tự do, hạnh phúc và mọi người tham gia, mọi người hưởng lợi, hay nói đúng hơn là bao trùm bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau. Đấy chính là chủ nghĩa xã hội Việt Nam".

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác