Đề xuất để nông sản Việt Nam có sức cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu

(VOV5) - TS. Đinh Hùng Cường cho rằng muốn đáp ứng được thị trường xuất khẩu, sản phẩm của Việt Nam phải chất lượng.

Trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài, dù sống xa đất nước nhưng họ đã chủ động đóng góp khả năng, trí tuệ của mình, đồng thời tạo ra kênh kết nối để dù ở nơi đâu cũng có thể đóng góp được cho đất nước. TS. Đinh Hùng Cường là Giám đốc nghiên cứu và phát triển thuộc Viện nghiên cứu hóa nước biển tại Kyushu của Nhật Bản. Hiện nay, anh đang tập trung vào các mảng liên quan đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn và nông nghiệp chất lượng cao. TS. Đinh Hùng Cường đưa ra một số đề xuất về việc làm thế nào để nông sản Việt Nam có sức cạnh tranh cao, sản xuất theo hướng hiện đại, tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp toàn cầu.

Đề xuất để nông sản Việt Nam có sức cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu - ảnh 1

TS. Đinh Hùng Cường, Viện nghiên cứu hóa nước biển tại Kyushu, Nhật Bản

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 

PV: Thưa anh, nhìn lại những năm qua, có thể thấy ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều thành công. Theo cá nhân anh, là một người chuyên tâm về nông nghiệp xanh, lĩnh vực nông nghiệp khởi sắc chính là nhờ những yếu tố gì?

TS. Đinh Hùng Cường: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường có tầm nhìn rất tốt về phát triển nông nghiệp. Trước kia, nông nghiệp Việt Nam chưa được đánh giá cao. Nhưng bây giờ, chúng ta đã có tầm nhìn hơn, định hướng đến các sản phẩm cốt lõi, những sản phẩm chiếm ưu thế để xuất khẩu. Muốn đáp ứng được thị trường xuất khẩu, sản phẩm phải chất lượng.

Nhật Bản phát triển theo xu hướng phát triển bền vững nên họ luôn luôn tập trung vào chất lượng của sản phẩm. Ví dụ, một người nông dân trồng cam chẳng hạn, người ta sẽ trung thành với cam, dù biết năm nay có thể bị thiên tai phá hoại. Mỗi khu vực ở các địa phương ở Việt Nam tập trung thành các khu phát triển riêng như: nhãn lồng Hưng Yên, Vải Lục Ngạn, Xoài Hòa Lộc..., thì các sản phẩm của mình hoàn toàn có chất lượng để có thể cạnh tranh được các nước khác trên thế giới. 

Chính phủ phải là người hướng dẫn, bổ sung kiến thức cho người dân, cử một số đại diện nông dân tiêu biểu tham gia các lớp huấn luyện, đào tạo, giúp họ hiểu về định hướng các sản phẩm, không nên chạy theo thị trường. Đồng thời, chính phủ phải định hướng lâu dài cho nông dân về việc trồng các sản phẩm chủ lực.

PV: Thưa anh, có thể thấy mặc dù thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng để mở rộng thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam, chất lượng sản phẩm đòi hỏi cần phải được cải thiện. Ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?

TS. Đinh Hùng Cường: Vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện tại đang gặp phải là vấn đề chất lượng nông sản. Trước đây, khi nông sản Việt Nam đưa ra thị trường thế giới, người ta không quan tâm đến chất lượng lắm. Do đó, nông sản Việt Nam khó tiếp cận thị trường châu Âu, châu Mỹ và thị trường Australia... Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tự bản thân người dân Việt Nam không thấy cần thiết phải thay đổi. Nhưng hiện tại, Trung Quốc đã thay đổi chính sách, họ yêu cầu nông sản có chất lượng cao, yêu cầu truy xuất các sản phẩm nông sản và phải có chất lượng cao thì mới thu mua.

Do Việt Nam có quá nhiều năm sử dụng các chất liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tại nhiều sản phẩm của mình có liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bây giờ mình phải thay đổi vấn đề đó. Đối với Việt Nam, vấn đề thay đổi thật sự vẫn đang là một bài toán khó vì dư lượng đang nằm trong đất. Thực ra, các giống, các chất cũng như các loại hoa quả của Việt Nam đa dạng hơn của Nhật Bản nhưng mình lại không sản xuất được những sản phẩm có giá trị về kinh tế như của Nhật Bản. Đó là điều mình rất trăn trở.

PV: Lần đầu tiên anh tham dự Diễn đàn các trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Qua diễn đàn này, anh muốn chia sẻ cũng như đề xuất gì để ngành nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới?

TS. Đinh Hùng Cường: Tôi đăng ký tham gia diễn đàn này với mong muốn được gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo để có thể trao đổi một vài thông tin và nêu lên nguyện vọng của mình. Sở hữu trí tuệ ngày càng thể hiện là một công cụ hữu hiệu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm. Đảng, Nhà nước cần tổ chức nhiều lớp tập huấn trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ để giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tiếp cận thị trường. Chúng ta chưa tập trung vào vấn đề sở hữu trí tuệ, cấp bằng sáng chế, sau này Việt Nam sẽ rất khó khăn. Bây giờ mình nói rất nhiều, làm rất nhiều cái hay nhưng sở hữu trí tuệ của mình không có. Mình sở hữu trí tuệ như thế nào, định hướng về sở hữu trí tuệ không có, sau này ta sẽ không có cái gọi là bảo vệ được sản phẩm của mình. Ví dụ như cà phê Trung Nguyên của ta bây giờ cũng thế. Bây giờ các chỉ dẫn địa lý là của Trung Quốc đã đăng ký cà phê Trung Nguyên rồi. 

Đề xuất để nông sản Việt Nam có sức cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu - ảnh 2

TS. Đinh Hùng Cường cho rằng rất cần thiết phải đẩy mạnh liên kết, phát triển tổ chức, từng bước quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Việt Nam trong nước và quốc tế. Trong ảnh, TS. Đinh Hùng Cường thăm vùng trọng điểm sản xuất cà phê, hồ tiêu của cả nước ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Viện nghiên cứu của chúng tôi ở Nhật Bản cũng có sang Việt Nam làm việc với các Trường Đại học ở Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi có mối liên kết ký với trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, công ty xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk ở Tây Nguyên để sản xuất các loại giống cà phê hay thức ăn cho gia súc.

Bây giờ, nhiều khi các công ty biết là sản phẩm đó vẫn chưa được tốt, chưa được hay. Nhưng vì người nông dân nghĩ chỉ cần đến thế và họ chỉ bán đến thế. Họ không cần thiết phải bán chất lượng cao hơn. Vì họ nghĩ bao giờ thị trường đòi hỏi cao hơn thì lúc đó mới cần nghiên cứu cao hơn. Như thế là mình đã dẫn đến một thời kỳ giống như Trung Quốc trước đây. Nên bây giờ mặc dù nhiều hàng hóa Trung Quốc cũng tốt, có thể so sánh với hàng Nhật. Nhưng vì quá khứ để lại, nên Trung Quốc phải mất nhiều thời gian nữa để thế giới công nhận hàng của Trung Quốc là tốt. Theo thị hiếu hiện nay, khi muốn mua một sản phẩm, người dân thích mua hàng Nhật, hàng Đức nhiều hơn chứ không mua hàng Trung Quốc. Đó là về vấn đề sở hữu trí tuệ, về vấn đề tạo lòng tin trên thị trường thế giới. Việt Nam cần phải có điều đó.

PV: Xin cảm ơn anh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác