(VOV5)- Hôm qua, 22/2, Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ hội viên nông dân góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại hội nghị, ông Đỗ Văn Thiên, Chủ tịch Hội Nông dân phường Linh Đông, quận Thủ Đức, đề cập đến điều 34, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nêu: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh”, ông Đỗ Văn Thiên cũng cho rằng, “tự do kinh doanh” tức là mọi người đều có thể kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực, hàng hóa, dịch vụ mà không có giới hạn. Vì vậy, cần bổ sung “Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của luật pháp” mới thật sự đầy đủ.
Bà Phạm Thị Lang, cán bộ Hội Nông dân thành phố, cho rằng tại điều 36 khoản 2: “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở”, bà Lang nêu ý kiến bổ sung thành “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho các cá nhân có nơi ở”. Theo bà, các cá nhân bao gồm cả những người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và làm việc, vì thế, nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho họ.
Đại biểu tham dự hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Quảng Ngãi. Ảnh: M.Toàn
Cùng ngày, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Gần 30 ý kiến, tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trung tá Lê Mỹ Sơn, Phó Tham mưu Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, tỉnh Quảng Ngãi, nêu ý kiến: “Trong chương 4 thì có 5 điều nhưng tại điều 69 tại khổ đầu tiên thì qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng là cần bổ sung bảo vệ Tổ quốc không những là sự nghiệp của toàn dân mà còn là trách nhiệm của mọi công dân để thể hiện rằng là việc bảo vệ tổ quốc rất quan trọng đối với mỗi công dân sống trên một đất nước, trên một Tổ quốc của chúng ta.”
Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình cũng vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức thành viên, Hội nghề nghiệp, Hội đồng tư vấn, chức sắc tôn giáo đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận sâu về vai trò của Đảng; chế định bảo vệ Hiến pháp; xây dựng xã hội học tập; vấn đề giám sát, phản biện xã hội; quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch; đất và tài sản trên đất; vấn đề hôn nhân, gia đình, quốc tịch…/.