Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: không gian kết nối văn hóa, cộng đồng

(VOV5) - Người dân của Hà Nội và du khách lại được hòa mình vào một không gian đi bộ mới của Thủ đô lãng mạn gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Sau tuyến phố đi bộ ở Hồ Hoàn Kiếm, người dân của Hà Nội và du khách lại được hòa mình vào một không gian đi bộ mới của Thủ đô lãng mạn gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng ta cùng tới với con phố này ở quận Tây Hồ, và lắng nghe chia sẻ của những người con Hà Nội được tham gia và hưởng thụ một dự án cộng đồng:

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hàng tuần, từ thứ 6 đến chủ nhật, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ lại sôi động, đón một lượng khách ở khu vực lân cận và du khách ở các nơi ghé thăm. Một không gian văn hóa nghệ thuật ẩm thực nằm trong tuyến phố đi bộ đã khiến nơi này trở nên nhộn nhịp với những con đường dạo bộ, thư thả ngắm nhìn những bức tranh, nghe những bài hát gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng với thưởng thức ẩm thực Hà Nội.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: không gian kết nối văn hóa, cộng đồng - ảnh 1

Khá nhiều người dân không chỉ ở ngay địa bàn phường mà còn từ nhiều khu vực khác ở Hà Nội đã  dành thời gian tới đây dịp cuối tuần. Ông Nguyễn Văn Thành và bà Vận Thánh, ở quận Hoàng Mai chia sẻ: “Tôi cảm thấy tuyên phố này dành không gian vào thứ 6, thứ 7, chủ nhật có ý nghĩa để cho mọi người đến thưởng thức không gian đẹp của Hồ Tây và  phố mang tên của ông”

“Tôi rất thích, phố này từ lâu rất yêu quý, nhạc Trịnh tôi rất thích nên tôi phải đến ngay…”

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: không gian kết nối văn hóa, cộng đồng - ảnh 2

Một không gian đi bộ với các gian hàng lưu động, bày bán khá nhiều mặt hàng của các làng nghề từ đồ dùng tới ẩm thực, đến những bức tranh của các họa sĩ vẽ phong cảnh mùa thu Hà Nội và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trưng bày dọc hai bên hè phố tạo điểm nhấn đầy ý nghĩa. Họa sĩ Phạm Kiên, một trong những họa sĩ tham gia vào dự án này cho biết ý nghĩa của tuyến phố đi bộ đối với ông: “Quận Tây Hồ là điểm phát triển du lịch cũng như phát triển văn hóa gắn liền với tên tuổi của các nhân sĩ, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao. Với con đường Trịnh, có dấu ấn nhạc Trịnh, Trịnh Công Sơn gắn liền hội họa vì ông là họa sĩ. Gây dấu ấn rõ ràng về mặt xã hội. Trịnh Công Sơn gắn với Hà Nội qua bài hát mùa thu Hà Nội vì ông về Hà Nội thì ông cảm xúc mạnh khi dạo bước ở Hồ Tây và đã sáng tác bài hát. Mùa thu nhân văn và cả có ý nghĩa về mặt chính trị và con phố này mang tính cộng đồng”.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: không gian kết nối văn hóa, cộng đồng - ảnh 3

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn đi vào hoạt động đã tạo nên một sân chơi cho người dân Thủ đô, đáp ứng nhu cầu về văn hóa. Đúng như đánh giá của chị Thu Hương, một người dân Hà Nội: “ Phố đi bộ góp phần kết nối văn hóa, văn hóa  Việt lâu nay rời xa quần chúng nên tuyến phố này giúp kết nối văn hóa, con người gần nhau và sống tốt đẹp hơn và điều này tôi rất thích,  có những con phố văn hóa thế này tôi rất vui”

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: không gian kết nối văn hóa, cộng đồng - ảnh 4 Gian hàng ẩm thực trên phố đi bộ

Còn chị Mai Thị Thanh, ở Phú Thượng, Tây Hồ, lại cảm thấy được giới thiệu ẩm thực của làng nghề quê hương tại đây là điều thú vị: “ Chúng tôi vui và phấn khởi muốn phố đi bộ duy trì mãi mãi để giới thiệu sản phẩm làng nghề của địa phương tới bạn bè và du khách thập phương. Chúng tôi bày bán sản phẩm truyền thống của làng nghề xôi chè, rượu nếp bánh đa kê, xôi ngũ sắc làm từ các loại lá tự nhiên”

Tới với phố đi bộ Trịnh Công Sơn, du khách sẽ không còn cảm nhận được sự cổ kính, trang nghiêm như ở phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm mà thay vào đó là sự lãng mạn, đầy chất thi ca. Du khách có thể ngồi ngắm đài phun nước, thưởng thức cà phê, trà đá và nghe những bài hát về Hà Nội, hoặc nhẩm theo những giai điệu trong ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có lẽ đây chính là nét đặc trưng riêng của tuyến phố này. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét như sau: “Hoan nghênh vì càng ngày càng thấy cần phải có sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt những sinh hoạt văn hóa, thỏa mãn nhu cầu của người dân. TP Hà nội và quận Tây Hồ dành một không gian lựa chọn địa điểm và mang tên nhạc sĩ được nhiều người mến mộ thì rất hay. Bài học kinh nghiệm thành công là không gian hồ hoàn kiếm thì rất tốt. Nhân lên nhiều không gian như thế đáp  ứng yêu cầu của người dân, mở ra nhiều. Mỗi một không gian có đặc trưng giá trị riêng. Nói đến Trịnh Công Sơn nói đến thi ca lãng mạn gắn đến không gian rất đẹp”.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: không gian kết nối văn hóa, cộng đồng - ảnh 5

Tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn triển khai thí điểm đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng xã hội, của những người con luôn yêu mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Đó cũng chính là tâm huyết mà bà Phan Thu Hằng, giám đốc Công ty cổ phần văn hóa nghệ thuật Thorn Art, người đồng hành cùng Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ trong việc triển khai dự án cho biết: “ Những ai sinh ra và lớn lên ở Hà nội đều yêu Hà Nội, khi có tình yêu với mảnh đất đều có ý thức phát triển gìn giữ. Riêng tuyến phố Trịnh Công Sơn  tên đã có ý nghĩa vì hội tụ cả thơ nhạc họa, tôi mong muốn đưa nét tinh hoa về đây với ý nghĩa nhất. Ở Hồ Tây thì có thuận lợi vì ở đây mới có nhiều đất sáng tạo, chưa có trang trí nên có thể thay đổi và làm mới”

Hy vọng, dự án tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ ngày càng phát triển, trở thành không gian kết nối văn hóa nghệ thuật và ẩm thực,  điểm đến của người dân Thủ đô dịp cuối tuần.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác