(VOV5) - Quảng trường Ba Đình, trái tim của Hà Nội, là một trong những địa danh lịch sử và danh thắng nổi tiếng của thủ đô Hà Nội. Ba Đình có được vinh dự ấy bởi một sự kiện vô cùng quan trọng, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại đây, trước sự chứng kiến của 50 vạn nhân dân Hà Nội và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
|
Quảng trường Ba Đình nhìn từ phía đường Độc Lập. |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Hỡi đồng bào cả nước, Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"….
Những lời nói bất hủ của Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử mùa thu năm ấy không chỉ có ý nghĩa khẳng định nền độc lập của Việt Nam, mà còn là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới. Những từ ngữ mang ý nghĩa nhân văn lớn và sâu sắc ấy như vẫn còn vang vọng, in đậm trong tâm trí nhiều người Việt Nam, khi đến với Quảng trường Ba Đình lịch sử những ngày mùa thu này. Cũng tại nơi này, sau ngày Quốc khánh 2/9/1969, lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ yêu quý của nhân dân Việt Nam, đã được tổ chức trọng thể với sự tham dự của hàng vạn đồng bào và bạn bè quốc tế. Rồi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được xây dựng ở Quảng trường Ba Đình, ngày ngày đón hàng vạn đồng bào trong nước và quốc tế đến thăm Người.
|
Quảng trường Ba Đình thời Pháp thuộc. (Ảnh tư liệu) |
Người Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước và du khách quốc tế mỗi lần đến Hà Nội đều đến tham quan Quảng trường Ba Đình, đặc biệt là vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm. Có mặt ở Quảng trường Ba Đình những ngày này, ông Nguyễn Hữu Chỉnh, cựu chiến binh ở tỉnh Phú Thọ, bày tỏ cảm nghĩ: “ Anh em chúng tôi về quảng trường Ba Đình, thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, thăm một số nơi Bác làm việc và nơi ở của Bác. Nhớ lại thời điểm năm 1969, khi anh em chúng tôi còn đang ở chiến trường BCK, được tin Bác mất, anh em chúng tôi đã quyết tâm thực hiện lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn lại: “ Làm sao giải phóng Miền Nam sớm nhất, thống nhất nước nhà”. Thực hiện lời Di chúc của Bác tháng 4-1975 chúng tôi đã hoàn thành niệm vụ Bác giao, giữ gìn được tổ quốc đất nước, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước”.
Với nhiều người Việt Nam, nhất là người dân các tỉnh Miền Trung và Miền Nam được ra Hà Nội thăm quảng trường Ba Đình, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm khu nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến Bảo tàng Hồ Chí Minh gần đó, là mong ước của cả cuộc đời. Ngày Quốc khánh 2/9, cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, bà Nguyễn Thị Hạnh, một người dân ở tỉnh Bình Thuận, Miền Trung Việt Nam, xúc động nói: “ Hôm nay tôi ra đây viếng Lăng Bác, thăm nhà Bác, thăm ao cá Bác Hồ được thấy chân dung và những kỷ vật mà Bác Hồ đã sử dụng tôi rất xúc động. Xúc động bởi vì công lao của Bác rất gian khổ mà Bác chưa được hưởng ngày chiến thắng, chưa thấy đất nước đổi thay, đời sống người dân đã khác trước. Ra đây mình học hỏi nhiều điều từ Bác Hồ về quê nhà kể lại cho con cháu. Những người đã ra đây thăm Bác rồi cũng suy nghĩ về công lao của Bác, nhất là nghe lời Bác: “Bác cháu ta cũng nhau giữ lấy nước đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh hơn nữa”.
Quảng trường Ba Đình hiện nay là quảng trường lớn nhất Việt Nam, có khuôn viên với chiều dài 320m và rộng 100m, có 240 ô cỏ, xen giữa là lối đi rộng 1,4m. Giữa quảng trường là cột cờ cao 25m. Đây là nơi diễn ra các cuộc diễu hành nhân dịp các ngày lễ lớn của Việt Nam và cũng là một địa điểm tham quan, vui chơi, dạo mát của du khách và người dân Hà Nội./.