Vũ Tuân Sán – 100 năm gắn bó với Hà Nội

(VOV5) - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 vinh danh nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán. Năm nay tròn 100 tuổi, sức đã yếu và đi lại khó khăn nhưng nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán – một người sinh ra, lớn lên với Thủ đô, vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, ông vẫn hằng ngày miệt mài và đam mê với công việc. Những điều ông làm như muốn nói lên tình yêu của mình dành cho cho mảnh đất Hà Nội linh thiêng và hào hoa.

 Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Một buổi sáng mùa thu tháng 10, tôi đến thăm nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán ở số nhà 44, ngõ 116 phố Đại Từ, quận Hoàng Mai. Mặc những biến động của thời cuộc, 100 năm cõi người, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán vẫn gắn bó với mảnh đất cha ông. Một cổng chung cho cả 6 gia đình con cháu quây quần trong một không gian hữu tình với cây, hoa, hồ cá với muôn loài thủy sinh. Trong căn phòng nhỏ gọn gàng và đầy ắp sách, ông Sán vẫn đang miệt mài đọc, tra cứu, viết lách bên khung cửa sổ nhìn thẳng ra vườn ngát hương hoa và ngập nắng. Tiết thu như gợi lại thời điểm các trí thức Hà Nội đứng trước một lựa chọn mang tính quyết định 60 năm trước:Năm 1954, giải phóng Thủ đô, thời điểm rất quan trọng, anh đi hay ở lại thì anh trí thức có quyết định quan trọng là sẽ gắn bó với đất nước, với chế độ mới dân chủ cộng hòa. Lúc đó, tôi quyết định chuyển từ cán bộ tư pháp sang làm văn hóa với nhiệm vụ là tìm hiểu, nghiên cứu Hà Nội; với trách nhiệm là cố gắng phát hiện, lưu giữ những tinh hoa của Hà Nội. Giờ tôi nghĩ lại quyết định đó hoàn toán đúng đắn.

Vũ Tuân Sán – 100 năm gắn bó với Hà Nội - ảnh 1
Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán nhận giải thưởng

Tinh thông Hán-Nôm, tiếng Pháp và cả tiếng Anh, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán được đánh giá là người "mở đường" cho nhiều công trình nghiên cứu biên khảo về Thăng Long - Hà Nội. Ở ông hội tụ đủ yếu tố: sự uyên bác Nho giáo, tầm nhìn của tri thức và sự tận tâm, nhiệt huyết với khoa học và di sản ông cha. Dù trải qua những giai đoạn cam go nhất khi di sản của đất kinh kỳ ngàn năm văn vật bị xem nhẹ, Vũ Tuân Sán vẫn âm thầm, quyết liệt tìm tòi, khai phá, “mở” ra những hướng đi cho nghiên cứu Hà Nội. Lúc chuyển qua làm văn hóa, ông quyết định bỏ cả công việc luật sư vốn được xem là danh giá để trở thành một công chức trong lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: Bảo tồn bảo tàng ở Sở Văn hóa- Thông tin Hà Nội lúc bấy giờ. Điều may mắn nhất với ông Sán là công việc mới được giao lại phát huy vốn tri thức Hán Nôm vốn là đam mê và tự học trong nhiều năm:Khi tôi học đại học, tôi học thêm chữ Hán nôm. Lúc đó tự học lấy thôi vì mình thích văn hóa cổ truyền. Khi tiếp quản Thủ đô và làm cán bộ văn hóa, tôi được về làm Phòng Bảo tàng của Sở văn hóa. Lúc đó, mình đã có một vốn tiếng Hán học tương đối, cùng với tình yêu với văn hóa nước nhà nên đã phát huy được sở trường của mình.

Nặng lòng với văn hóa cổ truyền, đam mê Hán Nôm, anh cán bộ văn hóa Vũ Tuân Sán khi ấy trong mắt của nhiều đồng nghiệp sau này kể lại thế này: Vai đeo túi dết, hăm hở đạp xe đến các công trình cổ của Thăng Long, ghi chép, khảo cứu. Còn nói theo cách của ông Sán thì đó đơn giản chính là hành trình “tìm hiểu Hà Nội”. Những ai quan tâm đến văn hóa lịch sử đất thủ đô, không thể không biết tới cuốn sách Hà Nội xưa và nay của ông Vũ Tuân Sán. Đây là cuốn sách được ông dày công nghiên cứu hàng chục năm trời. Hà Nội xưa và nay được chia thành 5 phần: Hà Nội sử địa; Hà Nội di tích; Hà Nội danh nhân; Hà Nội văn học; Hà Nội văn nghệ dân gian, nghề truyền thống. Đọc Hà Nội xưa và nay sẽ thấy ở mỗi bài viết của ông Vũ Tuân Sán là những tìm tòi, khám phá về Hà Nội xưa. Ông dành nhiều thời gian và dày công nghiên cứu về việc dời đô và định đô tại Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, về thành Thăng Long Hà Nội cùng một loạt địa danh lịch sử như núi Nùng, núi Khán, núi Sưa, Bến Đông, Thập tam trại và các di tích như miếu Đồng Cổ, chùa Hàm Long, đền Ngọc Sơn, miếu Trung Hiền. Từ chỗ là nhiệm vụ được giao, ông Sán còn khai mở về nguyên nhân khiến Hà Nội trở thành mảnh đất “tâm hồn” của tất cả cư dân nơi đây hoặc những ai chỉ tình cờ có dịp đặt chân đến:Quá trình định đô thời Cổ Loa, Thăng Long, chống ngoại xâm đều ở đây. Từ vốn văn hóa, các câu chuyện truyền thuyết dân gian, lễ hội, truyền thống đấu tranh chống ngoại sâm, truyền thống văn học…khiến HN trở nên hết sức đặc biệt mà không nơi nào có được.

Vũ Tuân Sán – 100 năm gắn bó với Hà Nội - ảnh 2
Trao giải cho các tác giả

Đã ở ngưỡng đại thượng thọ, vậy mà sức khỏe, niềm đam mê vẫn đồng hành cùng ông trong  công việc “tìm hiểu” về Hà Nội. Theo nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái, những gì nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán dành cho Hà Nội đủ để thấy, để hiểu về một con người nặng lòng với Thủ đô:Trong 100 năm tuổi đời của mình, ông đã có đủ thời gian tích lũy, phát hiện, khám phá ra những điều hay, cái đẹp của Hà Nội. Và trong những tác phẩm của mình, ông đã truyền đạt hầu hết những suy nghĩ của mình đối với Hà Nội. Chính vì thế, cho nên Giải thưởng lớn- Vì tình yêu Hà Nội trao cho ông là rất chính đáng” đối với một nhà Hà Nội học thâm niên cống hiến cả một đời mình cho Hà Nội.

Những nhà Hà Nội học, nhà nghiên cứu Hán Nôm, như Vũ Tuân Sán không còn nhiều. Từng ngày, từng giờ… pho từ điển sống về đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến, vẫn tiếp tục công việc tìm hiểu về Thủ đô Hà Nội, nơi ông gắn bó trọn cuộc đời./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác