Nhà báo Mỹ Trà và triển lãm ảnh “Trường Sa – Nơi ta đến”

(VOV5) -  Với 70 bức ảnh tiêu biểu chia làm ba chủ đề chính: Sắc màu Trường Sa, Vẻ đẹp lính biển Việt Nam và Sinh hoạt tinh thần trên biển, Triển lãm là lời tri ân tới nhưng chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang từng giờ từng phút bảo vệ biển đảo quê hương.


Ước mơ được một lần đặt chân lên quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, là ước mở của hàng triệu người dân đất Việt và cũng là khao khát của Mỹ Trà, Phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam. Dù hành trình đến với Trường Sa còn nhiều vất vả, sóng gió khơi xa nhưng Nhà báo Mỹ Trà đã vượt qua để hiện thực hóa ước mơ đó cùng những đứa con tinh thần làm nên cuộc triển lãm “Trường Sa – Nơi ta đến” vừa khai mạc hôm 30/8, tại Hà Nội.


Nhà báo Mỹ Trà và triển lãm ảnh “Trường Sa – Nơi ta đến” - ảnh 1
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đến dự và cắt băng khai mạc triển lãm.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:





“Gần 20 năm trong nghề, niềm mơ ước đó luôn đau đáu. Tôi luôn nghĩ rằng Trường Sa không dành cho phụ nữ và sự yếu đuối, vì vậy dù luôn mong mỏi được ra Trường Sa nhưng chưa dám thực hiện. Mong ước được đến với Trường Sa, được trực tiếp ngắm nhìn thay vì phải đi tìm những hình ảnh và thông tin từ sách báo càng lớn dần lên, khiến tôi “liều” một phen” – Nguyễn Mỹ Trà.

 

Nhà báo Mỹ Trà và triển lãm ảnh “Trường Sa – Nơi ta đến” - ảnh 2
Phóng viên Mỹ Trà tác nghiệp tại Trường Sa.


Vào những ngày đầu tháng 6, đúng vào đợt ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tàu Trường Sa 571 đưa đoàn công tác số 14/2016 vượt muôn trùng sóng gió đến với quần đảo Trường Sa, trong đó có mặt nữ Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà. Nhà báo Mỹ Trà chia sẻ hai ngày đêm lênh đênh trên biển, những đợt sóng đánh liên tục, có lúc tạt cả vào cabin, những cơn say sóng liên tục khiến cô với vóc dáng thanh mảnh dường như không thể gượng dậy. Thế nhưng ngay khi đặt chân lên đảo, choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ của biển đảo quê hương, cô quên hết cả mệt mỏi, vội vàng lấy máy ảnh ra để ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy: “Tôi không bỏ lỡ bất cứ một khoảnh khắc nào ở Trường Sa. Bao mong mỏi và ao ước tôi dành cả vào những cú bấm máy. Tôi được chứng kiến một cơn mưa ở Trường Sa. Sau cơn mưa cầu vồng xuất hiện. Tôi trèo lên mái nhà và nhìn ngắm cầu vồng bắc từ con thuyền vào đến đảo chìm, nơi người chiến sĩ đang đứng hướng mắt nhìn về ngọn hải đăng. Cũng có những ngày mặt biển tĩnh lăng, yên như mặt gương soi”.

 

Nhà báo Mỹ Trà và triển lãm ảnh “Trường Sa – Nơi ta đến” - ảnh 3
Diệu kỳ Trường Sa. Ảnh: Mỹ Trà


Cầm tập ảnh trên tay, Nhà báo Mỹ Trà say sưa nói về từng tấm ảnh mà cô chụp được trong chuyến công tác Trường Sa. Tấm thì chụp ảnh chiến sĩ xếp hàng lên nhà giàn DK, tấm thì chụp ảnh con tàu dưới cơn bão, tấm lại chụp cảnh các em nhỏ trò chuyện cùng cô giáo trong sân chùa trên đảo: “Chụp hàng chục nghìn bức, tất cả những khoảnh khắc lọt qua ống kính. Bởi vì mình nghĩ không biết đến bao giờ mình mới ra được Trường Sa, vì vậy mình sống trọn từng giây từng phút, từng khoảng khắc với Trường Sa. Trừ lúc say sóng, còn trong đầu chỉ nghĩ là say thế này mai có chụp ảnh được không. Đến một cái đảo là tôi sẽ đi chui hết các xó xỉnh, trèo lên trèo xuống”.

Hơn 2 tháng kể từ ngày tạm biệt Trường Sa, ngoài những bài viết chuyên môn, cô nung nấu làm nhiều điều nữa cho Trường Sa, trong đó có Triển lãm “Trường Sa - Nơi ta đến”. Với 70 bức ảnh tiêu biểu chia làm ba chủ đề chính: Sắc màu Trường Sa, Vẻ đẹp lính biển Việt Nam và Sinh hoạt tinh thần trên biển, Triển lãm là lời tri ân tới nhưng chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang từng giờ từng phút bảo vệ biển đảo quê hương. Triển lãm này nhận được sự ủng hộ của nhiều đơn vị, trong đó có Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương, chia sẻ: Mỹ Trà là nữ Nhà báo đầu tiên tổ chức Triển lãm ảnh về Trường Sa: “Tôi rất vui vì được thấy một nữ phóng viên ra Trường Sa với một tâm huyết, một tình yêu biển đảo, một tình yêu Tổ quốc vô tận như thế. Vậy nên không có lý do gì mà không chia sẻ điều đó với tất cả bạn bè trong nước và quốc tế qua những bức ảnh của mình. Thành công gần như là tuyệt đối. Ý tưởng hay, tư liệu rất quý, và được sự đồng thuận của bạn bè trong nghề, ngoài nghề, xa và gần, các thế hệ từ thanh niên đến người lớn tuổi”.

 

Nhà báo Mỹ Trà và triển lãm ảnh “Trường Sa – Nơi ta đến” - ảnh 4
Mắt biển. Ảnh: Mỹ Trà


Đam mê và tình yêu của Mỹ Trà đối với Trường Sa đã giúp cô thực hiện thành công nhiều tác phẩm. Điển hình là một loạt bài viết nghiên cứu về lịch sử quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của cha ông ta thời xưa. Loạt bài gần đây nhất, nhà báo Mỹ Trà viết về ý kiến chuyên gia thế giới về chủ quyền biển đảo Việt Nam, những bằng chứng lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã đạt giải Khuyến khích Báo chí Quốc Gia 2016.

 

Nhà báo Mỹ Trà cho biết: Sau triển lãm ảnh, sẽ cho ra đời một quyển sách ảnh về huyện đảo Trường Sa để mọi người hiểu hơn về cuộc sống nơi đảo xa. Nhà báo Mỹ Trà hy vọng triển lãm ảnh và cuốn sách về Trường Sa sẽ giúp thế hệ trẻ thêm yêu biển đảo quê hương, thêm yêu Trường Sa, mảnh đất đầu sóng ngọn gió, nơi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác