Thông tin biển đảo ngày 25/2

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Chiều ngày 20/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố “Kế hoạch hành động của Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4”.  Kế hoạch hành động của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 13/2 nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các bất cập, hạn chế theo khuyến nghị của EC về IUU; gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2023. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 5 năm nay sẽ triển khai các nhóm nhiệm vụ và giải pháp về tăng cường truyền thông trong nước và trên diễn đàn quốc tế để đảm bảo tính minh bạch, trung thực về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam; thực hiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách; quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá.

Cảnh sát biển đồng hành với bà con trên đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang

Hàng trăm lá cờ tổ quốc, tờ rơi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và 50 suất quà, được Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trao tặng bà con và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở đảo Thổ Chu chiều ngày 21/2. Đây là hoạt động trong chuyến kiểm tra công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ IUU khu vực biển giáp ranh Việt Nam-Thái Lan-Malaysia.

Thông tin biển đảo ngày 25/2 - ảnh 1Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam (bên trái) tặng cờ tổ quốc cho ngư dân trên đảo Thổ Chu. Ảnh: VOV

Theo Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính uỷ Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết: "Thăm, tặng quà ngư dân khu vực đảo Thổ Chu với mong muốn tuyên truyền phổ biến cho bà con ngư dân hiểu rõ hơn các quy định chống IUU. Mong bà con không vi phạm IUU, đừng vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến các hoạt động khác của Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU)."

Dịp này, đoàn công tác dâng hoa, thắp hương tưởng niệm, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ và đồng bào bị Khơ me đỏ sát hại trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 1975 tại đền thờ xã Thổ Châu; thăm tặng quà chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, các gia đình chính sách và học sinh trên đảo.

Bình Định chuyển dần nuôi biển truyền thống sang công nghiệp

Những năm gần đây, tỉnh Bình Định đã quy hoạch vùng nuôi thủy hải sản gần bờ, thu hút đầu tư vào nuôi biển công nghiệp, từng bước chuyển từ nuôi biển truyền thống sang nuôi biển công nghiệp. 

Tỉnh Bình Định hiện có 60 ha mặt nước biển nuôi các loại hải sản bằng lồng bè tập trung ở vùng biển gần bờ, với các loại hải sản, như: tôm hùm, cá bớp, cá mú, mực lá. Năm 2022, tỉnh có hơn 2.900 lồng nuôi, sản lượng đạt hơn 200 tấn, tạo thu nhập ổn định cho 500 hộ gia đình.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết mục tiêu của tỉnh Bình Định là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển, trong đó có phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp.

Thông tin biển đảo ngày 25/2 - ảnh 2Người dân xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nuôi tôm hùm. Ảnh: VOV

Tỉnh Bình Định đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển tại khu vực vùng biển hở, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi: "Để nuôi được ở vùng biển hở phải có đầu tư rất lớn, chính vì vậy trong thời gian vừa qua cũng chưa thu hút được các doanh nghiệp, các người dân để chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp. Chúng tôi cũng đề nghị các nhà quản lý, các nhà khoa học nên nghiên cứu đề xuất với Chính phủ có những cơ chế chính sách hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, làm sao chúng ta đầu tư công nghệ hiện đại hơn và nuôi trồng ở những vùng biển ngoài khơi."

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bình Định và các địa phương ven biển cần xác định rõ nuôi biển theo hướng công nghiệp là quy mô sản xuất lớn và áp dụng khoa học công nghệ; nuôi công nghiệp theo chuỗi với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm liên kết sản xuất.

Phát động trồng rừng ven biển Bạc Liêu

Ngày 21/2, Lễ phát động trồng rừng ven biển trong chương trình "Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic" diễn ra tại ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu). Tại chương trình, đại diện Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường trao tặng tỉnh Bạc Liêu 15.800 cây đước để cán bộ, nhân dân địa phương trồng tại rừng phòng hộ ven biển Đông, góp phần tăng diện tích rừng và tăng tỷ lệ che phủ rừng so với diện tích tự nhiên của tỉnh.

Thông tin biển đảo ngày 25/2 - ảnh 3Các đại biểu trồng rừng phòng hộ ven biển Đông tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Chương trình thực hiện trong năm 2022 - 2023, nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc trồng hàng trăm nghìn cây xanh trên quy mô toàn quốc, tập trung vào các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Các loại cây được lựa chọn trồng với tiêu chí tối ưu hóa hấp thụ lượng CO2, góp phần phủ xanh các khu vực đồi núi trọc, bảo tồn hệ sinh thái địa phương. Với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh khỏe mạnh", Chương trình đặt mục tiêu mang đến cho cộng đồng nhận thức và sự lan tỏa về vấn đề bảo vệ môi trường, giảm biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 tổ chức tại Anh.

Tàu Hải quân lai kéo tàu cá ngư dân bị hỏng máy về đảo Đá Tây để sửa chữa

Sáng 20/2, tàu 471 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, đã lai dắt tàu cá KH 98246 TS của ngư dân bị hỏng máy chính từ vùng biển cách đảo An Bang, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, 9 hải lý, về đến đảo Đá Tây để tiến hành khắc phục sự cố, sửa chữa máy tàu.

Thông tin biển đảo ngày 25/2 - ảnh 4Tàu kiểm ngư lai dắt tàu cá gặp nạn. Ảnh: TTXVN

Trước đó, ngày 19/2, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực Đông Nam đảo An Bang, tàu 471 nhận lệnh lên đường tìm kiếm và tiếp cận để lai kéo tàu KH 98246 TS đang trôi dạt trên biển do không thể khắc phục sự cố hỏng máy chính của tàu. Sau khi nhận lệnh, mặc dù sóng gió to, tàu 471 nhanh chóng lên phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu của ngư dân.

Tàu KH 98246 TS do ông Phạm Phu, ngụ tại phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, làm thuyền trưởng, hành nghề câu cá ngừ đại dương. Tàu còn có 3 thuyền viên khác. Khi đang khai thác hải sản trên biển, tàu bị hỏng máy chính vào chiều 18/2. Không khắc phục được, thuyền trưởng đã phát tín hiệu cần sự trợ giúp của cơ quan chức năng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác