(VOV5) - So với các năm trước, nhiều tác phẩm tham gia dù số lượng không nhiều hơn nhưng chất lượng vượt trội, chứa đựng hàm lượng khoa học cao.
Đại sứ Lê Công Phụng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Nghiên cứu Biển Đông phát biểu |
Ngày 2/7, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông năm 2018. Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Lê Công Phụng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ cho biết đây là lần thứ 7 Quỹ FESS phát động phong trào nghiên cứu về Biển Đông.
Các tác phẩm tham dự năm 2018 thể hiện nội dung và hình thức đa dạng, bao gồm: chính trị, kinh tế, lịch sử, giáo dục, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế, thông tin truyền thông: "Sáu năm qua, đã có rất nhiều cán bộ, nhà nghiên cứu tham gia vào chương trình này. Đến nay, đã có khoảng 500 bài viết, đề tài, dự án về Biển Đông. Những công trình này giá trị nghiên cứu và giá trị chính trị rất lớn, quan trọng hơn cả là tạo nên làn sóng trong thanh niên, trong học giả suy nghĩ về Biển Đông. Nghiên cứu về Biển Đông đã bắt đầu phát huy tác dụng, không chỉ ở một vài trung tâm cả nước mà lan ra mọi vùng miền tổ quốc. Nhiều bài nghiên cứu cũng được gửi về từ nước ngoài, từ sinh viên Việt Nam đang học ở nước ngoài, thậm chí có sự hợp tác cúa các nhân sĩ nước sở tại. Điều này thể hiện sự tâm tư quan tâm về biển đảo rất lớn."
Các tác giả nhận giải |
Nhận xét về các bài tham dự Giải thưởng, Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết trong năm 2018, so với các năm trước, nhiều tác phẩm tham gia (ở thể loại báo chí và thể loại nghiên cứu), dù số lượng không nhiều hơn nhưng chất lượng vượt trội, chứa đựng hàm lượng khoa học cao, có giá trị lớn trong việc đề xuất các khuyến nghị, chính sách pháp luật về vấn đề biển đảo. Thông qua các tác phẩm dự thi, Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá các tác giả thể hiện lòng nhiệt huyết và đam mê trong nghiên cứu về Biển Đông và khẳng định chủ quyền biển đảo vẫn là chủ đề lôi cuốn đối với các tầng lớp nhân dân, trong đó có giới trẻ.
Qua hai vòng chấm viết và chấm thuyết trình, Hội đồng Giám khảo Quỹ đã chọn ra 01 Công trình nghiên cứu, 8 bài viết nghiên cứu (trong đó có 3 bài viết nghiên cứu đặc biệt xuất sắc và 5 bài nghiên cứu xuất sắc) và 06 tác phẩm báo chí về Biển Đông để trao giải.
Cuối buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao tuyên bố phát động Giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông trong năm 2019.