Trả lời thính giả về vấn đề hai quốc tịch, xin visa ưu tiên du học Australia

(VOV5) - Bạn nghe đài hỏi: “Con tôi định cư tại Pháp đã 8 năm nhưng chưa nhập quốc tịch. Nếu nhập quốc tịch Pháp thì có thể giữ lại quốc tịch Việt Nam không?”. Thính giả cũng quan tâm tới xin visa ưu tiên du học Australia. Chương trình cũng thông tin về nghề dệt thổ cẩm, một nét văn hóa Việt.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Chào quý vị, chào các bạn!
Một tuần đã trôi qua và chương trình rất vui khi lại được trò chuyện cùng quý thính giả qua những cánh thư. Ngày 20-10, ngày phụ nữ Việt Nam diễn ra với nhiều hoạt động phong phú ở trong nước và nước ngoài. Chương trình nhận được thư cùng tin, bài của các cộng tác viên ở Ba Lan, Pháp, Sec, các cơ quan thường trú Đài TNVN tại Mỹ, Lào, Nga, CPC… phản ánh những hoạt động của cộng đồng bà con người Việt Nam ở nước ngoài dịp này. Chương trình cũng nhận được thư của Đại đức Thích Giải Hiền thông báo chương trình từ thiện ở Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; Thư của Nguyễn Thị Lương, ở Đức,  Nguyễn  Quang Hùng Anh, Thu Thu, ở Cộng hòa Pháp, An Diệu, Hung ga ri; Đào Thanh Tẻo, ở Thái Lan; Đinh Thị Phương Loan, ở Lào; Nguyễn Thị Hường, ở Sec; Trịnh Thị Thảo, ở Lào trao đổi về vấn đề dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Quý thính giả thân mến ! Mở đầu Hộp thư thính giả tuần này, chúng tôi xin trích đăng thư của bà Hồng Hạnh. Thư của bà viết: “Con tôi định cư tại Pháp đã 8 năm nhưng chưa nhập quốc tịch. Như vậy con tôi có được giữ tên lại trên hộ khẩu ở Việt Nam không? Nếu nhập quốc tịch Pháp thì có thể giữ lại quốc tịch Việt Nam, nghĩa là có song tịch không?”

Bà Hạnh thân mến ! Theo quy định của Pháp luật, trường hợp con bạn đã sang Pháp định cư thuộc trường hợp xoá đăng ký thường trú tại Việt Nam. Theo đó, tên của con bạn không còn được giữ trên sổ hộ khẩu tại Việt Nam nữa. Để có tên trong Sổ hộ khẩu tại Việt Nam, con bạn phải trở về Việt Nam sinh sống và phải làm thủ tục để đăng ký thường trú tại Việt Nam (thủ tục để nhập lại tên vào Sổ hộ khẩu ở Việt Nam)

Về quốc tịch Pháp và quốc tịch Việt Nam, chúng tôi xin trả lời như sau:

Cũng   theo quy định tại Điều 18 Nghị định 78/2009 “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 mà không có Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện đến hết ngày 01 tháng 7 năm 2014”. Do đó, nếu con bạn sang Pháp định cư trước ngày 1/7/2009 và không còn hộ chiếu Việt Nam có giá trị sử dụng thì con bạn cần làm thủ tục xin giữ quốc tịch Việt Nam tại Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Pháp trước ngày 01/7/2014 để giữ quốc tịch Việt Nam.

Theo Pháp luật Việt Nam, về nguyên tắc, chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 21 Nghị định 78/2009/ của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam (“Nghị định 78/2009”), “Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn có quốc tịch Việt Nam”. Do đó, khi con bạn vẫn là công dân Việt Nam đang định cư tại Pháp và đã tiến hành nhập quốc tịch Pháp thì con bạn vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam. Trường hợp này có nghĩa con bạn được có song tịch: quốc tịch Pháp và quốc tịch Việt Nam.

 Nhiều bạn trẻ hỏi về việc xét duyệt visa ưu tiên du học Australia. Chúng tôi xin thông tin: hiện nay, Chính phủ Australia ưu tiên thu hút sinh viên quốc tế, do đó, sẽ có những thay đổi trong luật pháp, giúp thủ tục xin thị thực du học tại đây đơn giản và dễ dàng hơn.  Bên cạnh đó, lựa chọn học tại Australia là con đường thuận lợi cho học sinh đi từ trung học đến thạc sĩ. Đối với những bạn muốn vào ngành công nghiệp khách sạn, trường International College management Sydney (ICMS) - tọa lạc tại vùng biển Manly xinh đẹp, là một lựa chọn hợp lý. Chương trình cử nhân quản lý nhà hàng - khách sạn của ICMS mang tính thực tiễn cao, học đi đôi với hành . Sinh viên buộc phải tham gia những khóa học thực hành được hưởng lương trong các khách sạn năm sao của địa phương. Điều này sẽ giúp bạn giảm được chi phí của khóa học và đạt được kinh nghiệm xác thực cho ngành khách sạn. ICMS cũng có khóa học thạc sĩ và việc xin thị thực visa tương đối đơn giản. Sinh viên có nhiều cơ hội việc làm trong các ngành công nghiệp cũng như trong các lĩnh vực du lịch - khách sạn. Thị thực du học sẽ cho phép sinh viên làm việc tới 40 giờ trong hai tuần để giảm chi phí học tập.

Khi nhận bằng của Australia, sinh viên Việt Nam có thể xin visa làm việc và được phép ở lại thêm hai năm để tìm việc, tích lũy kinh nghiệm. Nếu khóa học của bạn nằm trong danh sách thiếu hụt nguồn nhân lực từ website của cục di trú Australia, bạn có cơ hội được trở thành thường trú nhân. Đây là những lợi thế lớn để du học  tại đây.

 Quý thính giả thân mến!

Nhiều thính giả người Việt ở nước ngoài khi trở về quê hương thường mua những món quà tặng người thân. Họ thường tìm đến các sản phẩm bằng thổ cẩm như áo, túi, khăn… Thính giả cũng quan tâm tới nghề dệt thổ cẩm của một số vùng ở Việt Nam. Chương trình hôm nay, chúng tôi giúp quý thính giả hiểu khái quát về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khơme Bảy Núi.

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Khmer Bảy Núi đã có hàng trăm năm nay. Qua bao thăng trầm, có lúc phải tạm dừng hoạt động, nhưng nhờ được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nên hiện nay nghề truyền thống dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer đã sôi động trở lại, làm ra nhiều sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch trong, ngoài tỉnh và vươn ra thị trường quốc tế như Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Đức, Thái Lan, Campuchia…Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Khmer Bảy Núi được dệt từ loại tơ tằm đặc biệt của huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).

Các nghệ nhân đã khéo léo, tỉ mỉ chăm chút cho từng sản phẩm, từ chọn màu sắc, nhuộm tơ đến kỹ thuật dệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không ngừng sáng tạo ra 50 họa tiết hoa văn, có nội dung rất phong phú dựa trên các truyện cổ tích, dân gian, khắc họa lại lịch sử truyền thống, sinh hoạt đời thường của đồng bào Khmer như hình Phật Thích Ca, lồng đèn, bông dâu, hình vẩy rồng, hình voi, tranh hình tượng trên lụa.. Các sản phẩm thổ cẩm của vùng Bảy Núi có màu sắc rực rỡ, óng ả, chắc, bền và họa tiết hoa văn sắc sảo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Từ sản phẩm dệt, các xã viên  còn tranh thủ làm ra hơn 40 mặt hàng túi xách, nón, khăn tay, ví, áo gối, khăn trải bàn... trong đó có 2 mặt hàng chính thống là khăn choàng và vải xà rông.

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ phát thanh đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 3. 8 252 070

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vov.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này trên hệ VOV 5 vào lúc: 0h-1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.

Phản hồi

Các tin/bài khác