(VOV5) - Đặc biệt mỗi dịp tết đến xuân về, dù nhà giàu hay nhà nghèo, các gia đình người Thái cũng phải có con cá pỉnh tộp để đặt lên bàn thờ tổ tiên.
Trong các món ẩm thực phong phú của dân tộc Thái phải kể đến món “Pa pỉnh tộp” (tức cá nướng gập nguyên con). Với cách chế biến, gia vị cầu kì hơn so với cá nướng thông thường, “pa pỉnh tộp” ăn có vị thơm ngon đặc biệt.
Do tập quán sinh sống của đồng bào Thái thường ở nơi gần sông, suối, ao hồ nên những người đàn ông đánh bắt cá rất giỏi. Vì thế, cá là món ăn quen thuộc của đồng bào Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.
Pa pỉnh tộp đã ướp xong gia vị. |
Cá có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như: Nướng, rán, hấp, kho, cá chua, cá hun khói (pa giảng), cá gói lá nướng, canh cá, gỏi cá….Tuy nhiên, đây là những món chế biến khá đơn giản. Còn món “pa pỉnh” mới là món được chế biến, cầu kỳ hơn, không chỉ phục vụ bữa cơm hàng ngày, mà còn được làm để người Thái đãi khách quý đến thăm. Chị Tòng Thị Vinh, người Thái ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, chuyên phục vụ các món ăn dân tộc, cho biết:
"Cá pỉnh tộp thì cá to nhỏ đều làm được, gồm cá chắm, chép, rô, trôi…. Tuy nhiên, cá to cỡ 5 lạng trở lên mới dễ làm và ngon nhất là cá chép nướng. Khi mổ cá, người ta dùng dao sắc nhọn mổ từ sống lưng xuống, xẻ dọc phần trên thân cá từ đầu đến đuôi. Chú ý không mổ đằng bụng cá, không làm đứt miệng cá,vì khi gập cá lại, sẽ nhét đuôi cá ngược lên vào đằng miệng cá để giữ cho gia vị ở phần bụng cá không bị rơi vãi ra bên ngoài."
Pa pỉnh tộp cần nhiều thứ gia vị trộn lẫn với nhau sao cho đậm đà, gồm: Rau thơm, hành lá, thì là, rau húng, thái nhỏ, xả, hành củ, gừng, tỏi, ớt tươi được đập dập giã nhỏ, sau đó trộn mắm muối mì chính vừa đủ. Nhưng có một thứ không thể nào thiếu được, đó là “mák khén”. Đây là một loại hạt tiêu rừng, có vị thơm, hăng hăng, cay cay rất đặc trưng chỉ có ở miền núi Tây Bắc, dùng để làm gia vị cho hầu hết các món ăn của đồng bào vùng cao. Việc chọn cá, cho đến cách trộn gia vị ướp cá cũng rất quan trọng.
Pa pỉnh tộp đã được nướng chín. |
Chị Lò Thị Thuỷ, nhân viên nhà hàng Nậm La, thành phố Sơn La, cho biết: "Tôi làm ở nhà hàng Nậm La được nhiều năm rồi. Các món ăn dân tộc Thái như pa pỉnh tộp, cơm lam, gà nướng đều không thể thiếu được. Khách du lịch đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…lúc nào cũng phải có đủ các món phục vụ khách ăn. Ngoài ra còn gửi đi tận Hà Nội làm quà, nhất là cá pỉnh tộp, ai được ăn cũng khen ngon. Tuy nhiên, pa pỉnh tộp có nhiều loại cá, phải biết chọn cá nuôi ở ao, cá sông suối tự nhiên thì nướng mới không bở, thịt chắc, ăn mới thơm ngon. "
Khi đã xát ướp đầy đủ gia vị lên toàn thân cá, phần nhiều gia vị này được trộn lẫn với lòng cá đã làm sạch rồi cho vào trong bụng cá. Sau đó gập ngang thân cá lại, tức là gập làm sao phần đầu và phần đuôi cá chụm lại với nhau. Bà con dùng thanh nứa, que tre tươi chẻ đôi một đầu làm cái kẹp cá và dùng lạt buộc chặt một đầu kẹp lại với nhau, đặt lên nướng trên than củi đỏ rực. Nếu dùng thanh tre, nứa khô để kẹp nướng thì dễ bị cháy, làm gẫy kẹp trong khi cá chưa kịp chín.
Trong quá trình nướng, cũng phải điều chỉnh lượng than củi ít hay nhiều sao cho hợp lý và xoay lật chiều nướng cho cá chín đều, thơm ngon, nhìn ngoài vàng ươm mà bên trong cũng đủ độ chín kỹ. Pa pỉnh tộp nóng hổi ăn với xôi nếp thì càng hấp dẫn.
Thưởng thức “pa pỉnh tộp” tại nhà hàng Nậm La, thành phố Sơn La, chị Nguyễn Lan Phương, du khách đến từ Hà Nội cho biết:"Cá Pa pỉnh tộp là một món cá nướng nhưng ở trên này tôi thấy nhiều lắm, cầu kỳ lắm, nhiều gia vị khác nhau. Có rất nhiều yếu tố để hội tụ một món ăn ngon và như cá pỉnh tộp thì tôi thấy hết sức ấn tượng."
Trong các gia đình người Thái, Pa pỉnh tộp là một món đặc sản dân tộc không thể thiếu trong bữa cơm tiếp đãi khách quý đến thăm, thể hiện sự tôn trọng khách của gia chủ. Trong đám cưới đám hỏi cũng vậy, nhà trai sang bên nhà gái ăn hỏi cũng phải có đôi gà luộc, đôi cá nướng để mở đầu câu chuyện. Lúc đi rừng, lên nương, bà con cũng thường mang theo gói xôi, gói cá nướng để ăn. Hoặc khi đi thăm thân, gia chủ cũng sẽ mang theo gói xôi, gói cá nướng của nhà mình để làm chút quà biếu.
Đặc biệt mỗi dịp tết đến xuân về, dù nhà giàu hay nhà nghèo, các gia đình người Thái cũng phải có con cá pỉnh tộp để đặt lên bàn thờ tổ tiên, báo với tổ tiên rằng sau một năm vất vả làm ăn, con cháu trong nhà cũng kiếm được gà, cá để dâng lên tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu, một năm mới an khang, thịnh vượng. Pa pỉnh tộp cũng là món ăn rất hấp dẫn khó quên đối với du khách gần xa mỗi dịp lên với miền núi Tây Bắc.