(VOV5) - Người Việt tại CH Síp (Cyprus) đã chung sức cùng nhau dưới mái nhà chung của hội người Việt Nam tại đây.
Tuy chỉ là một quốc đảo nhỏ nhưng Cộng hòa Síp đã thu hút đông đảo người lao động Việt Nam sang làm việc từ nhiều năm nay. Bà con người Việt cũng đã chung sức cùng nhau dưới một mái nhà chung của cộng đồng người Việt, để có thể san sẻ những lúc buồn vui, những kỳ cuộc đoàn tụ ấm tình quê hương, là Ban Liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Sip.
Trong chuyến công tác tại quốc đảo này, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Síp về tình hình của bà con nơi đây.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại CH Síp trả lời phỏng vấn đoàn phóng viên VOV. |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Trong vai trò Chủ tịch cộng đồng, ông có thể cho biết những nét chính về tình hình cộng đồng tại cộng hòa Síp?
Vâng, cộng đồng người Việt Nam tại CH Síp đã được thành lập nhiều năm qua. Tuy nhiên vài năm gần đây chúng tôi đã có những bước chuyển biến rất tốt dựa trên những hoạt động của cộng đồng. Trước tiên đấy là những hoạt động của cộng đồng phục vụ bà con, anh chị em người Việt đến đây sinh sống, làm việc, học tập. Tiếp nữa là những hoạt động lan tỏa và tham gia cùng những hoạt động của các quốc gia khác và quốc gia bản địa.
Người Việt tham gia lễ hội hóa trang cùng cộng đồng bản địa tại CH Síp - Ảnh: FB Cộng đồng. |
Ông có thể cho biết về lý do mà Ban liên lạc cộng đồng ra đời cũng như lịch sử hình thành phát triển của nó như thế nào?
Qua thời gian có rất nhiều người VN đến Síp sinh sống và học tập, có nhu cầu được kết nối, nhu cầu được tham gia vào cộng đồng của riêng mình. Bắt đầu từ những nhu cầu đó thì chúng tôi, những người đã ở đây nhiều năm, chúng tôi kết nối được với nhau từ cách đây cũng cả chục năm rồi.
Một số thành viên Ban liên lạc cộng đồng cùng các anh chị em trong giải bóng đá do cộng đồng tổ chức. |
Việc liên lạc mới đầu chỉ nghĩ là một cái hội nhỏ để anh chị em có thể cùng gặp nhau, trao đổi, sau đó thì những hoạt động mới lan rộng ra và trở thành cộng đồng người Việt. Khi ấy bắt đầu có nhu cầu thành lập Ban liên lạc cộng đồng, để có thể giúp đỡ nhau, có thể liên lạc với nhau tốt hơn; để có thể đưa ra những quyết định hiệu quả nhanh hơn trong quá trình hoạt động của Hội. Chúng tôi chính thức họp để thành lập nên Ban liên lạc cộng đồng từ cách đây hai năm, Tuy vậy Hội của cộng đồng và những người chủ chốt trong Ban liên lạc cộng đồng đã kết nối với nhau cũng gần 10 năm rồi.
Một số thành viên Ban liên lạc cộng đồng trong một buổi gặp mặt. Họ thường xuyên kết nối với nhau để thông tin tình hình cộng đồng, ngoài những hoạt động thường niên còn có những trường hợp kêu gọi trợ giúp, chia sẻ vui buồn với những hoàn cảnh đặc biệt.- Ảnh: Fb Cộng đồng. |
Ông có nói tới hoạt động của Hội mình có hai nhiệm vụ chính: một là sẽ kết nối trong cộng đồng với nhau, hai là mở rộng ra với các sắc dân bản địa, hòa nhập với nước sở tại. Ông có thể cho biết những việc cụ thể thường niên mà Hội đã làm?
Hoạt động thường niên đầu tiên là Tết nguyên đán. Vì Tết là ngày các anh chị em người Việt rất mong đợi, đặc biệt những người con xa quê luôn hướng về quê hương, nên ngày Tết chúng tôi thưởng tổ chức cho các anh chị em, năm nay cũng đã tròn 10 năm. Sang đây đa số là chị em, nên chúng tôi cũng dành cho chị em hai ngày, một là ngày 8/3, hai là 20/10. Chúng tôi cũng tổ chức cả ngày 30/4, 1/5 nhưng chưa thể nói là thường niên được vì 8/3 gần 30/4.
Giải bóng đá cộng đồng cũng được bà con hưởng ứng sôi nổi. - Ảnh: Fb Cộng đồng |
Tiếp đó là những lễ hội mà chúng tôi tham dự với dân bản địa. Ví dụ ở Limassol này chúng tôi tham dự vào lễ hội Carnavan của thành phố và rất được ủng hộ. Chúng tôi tham dự nhiều năm rồi và đoàn của Việt Nam luôn luôn được các bạn rất yêu quý. Tại thành phố Limassol này có lễ hội hoa, cộng đồng người Việt cũng tham gia và còn cho cả các bé tham gia nữa để các bé có thể hòa nhập với cộng đồng của dân bản địa.
Nghe thì có vẻ đơn giản như thế, nhưng thực ra để thực hiện được tất cả những cái đó thì chắc chắn là cần công sức của rất nhiều người. Tôi muốn biết thêm về việc Hội đã tập hợp anh em và nguồn tài chính như thế nào để có thể thực hiện được những công việc đó?
Cảm ơn câu hỏi của chị. Với câu hỏi này tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của con người Việt Nam, vì người Việt Nam dù đi bất cứ đâu cũng luôn muốn đóng góp về cho quê hương. Tôi có may mắn được ở trong một cộng đồng mà rất nhiều người có tâm với quê hương và có tâm với cả cộng đồng, có thể kể tới rất nhiều cái tên như chị Tươi, chị Giang, chị Hương, em Huyền…và một số anh chị em khác luôn luôn tham gia hoạt động, luôn luôn tìm các cách để có thể tổ chức được. Ví dụ về công sức thì chúng tôi tự bỏ ra để làm, nhưng có những việc chúng tôi sẽ cần sự hỗ trợ ở bên ngoài.
Về nguồn tài chính chúng tôi tìm nguồn từ trong những thành viên của cộng đồng, trước hết là những thành viên Ban liên lạc cộng đồng, sau đó là những thành viên tham gia vào cộng đồng. Vì ở đây chúng tôi tham gia tới hàng nghìn người, có thể mỗi người chỉ đóng góp một con số nhỏ thôi, nhưng với hàng nghìn người tham gia thì chúng tôi có thể có Quỹ để trang trải cho những hoạt động của cộng đồng.
Các Lễ hội của dân bản địa luôn được Cộng đồng Việt Nam tham gia hết mình. - Ảnh: Fb Cộng đồng. |
Ngay từ những năm đầu chúng tôi luôn tìm kiếm các Mạnh thường quân – những nhà tài trợ, những người bạn từ các quốc gia khâc, các công ty muốn hỗ trợ anh chị em người Việt Nam. Chúng tôi không ngại gặp gỡ và xin được tài trợ cho các chương trình.Điều tôi thấy thật sự may mắn là những người mà chúng tôi tìm đến họ luôn mở rộng tấm lòng và thực sự rất tin tưởng, rất sẵn lòng hỗ trợ.
Qua quá trình hoạt động ông thấy những tâm tư nguyện vọng của người Việt tại đây đối với các chính sách của nhà nước, cần có những hành lang pháp lý nào để giúp bà con cộng đồng hòa nhập tốt hơn với xã hội sở tại cũng như đóng góp cho quê hương?
Đây là một phần trong yêu cầu mà ngài George Christophides, Lãnh sự danh dự Việt nam tại Síp gửi về cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, và tôi cũng đã đề xuất trong một buổi họp với ông ấy, là ở thời điểm hiện tại ở CH Síp mới có Lãnh sự quán danh dự. Tuy nhiên, với số lượng người đông như vậy chúng ta cũng nên có những cơ chế tổ chức giữa hai nước (cái này phải có sự đồng thuận giữa hai nước) nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn, dễ dàng hơn cho mọi người đến đây để có thể tham quan hay làm việc, sinh sống. Vì đến tận thời điểm này thì sẽ có nhiều bước để làm thủ tục. Ví dụ tôi nói một cái đơn giản là thủ tục visa, cũng không dễ dàng đối với rất nhiều người Việt Nam muốn đến CH Síp.
Xin trân trọng cảm ơn ông.