Đổi mới đào tạo nghề để giúp người lao động thích nghi với thời cuộc mới

(VOV5) -Trong tương lai, lao động qua đào tạo ở Việt nam đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ ứng phó, thích nghi tốt với sự thay đổi của thị trường lao động.

Hiện nay, tại Việt Nam mỗi năm có hơn 1 triệu thanh niên bước vào thị trường lao động. Lực lượng lao động Việt Nam tuy được đánh giá khá dồi dào và trẻ trung nhưng chất lượng thật sự không cao. Theo Cục việc làm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong xu thế hội nhập. Đặc biệt, khoảng cách giữa đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực còn lớn. Trước thực trạng đó, Bộ LĐ -TBXH đã xác định những giải pháp trọng tâm để cải thiện tình hình Ông. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trả lời phỏng vấn VOV5 về nội dung này.

PV: Xin chào ông Vũ Xuân Hùng, xin ông cho biết những thuận lợi và thách thức trong giáo dục và đào tạo nghề hiện nay ở Việt Nam.?

Đổi mới đào tạo nghề để giúp người lao động thích nghi với thời cuộc mới - ảnh 1TS. Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy phát biểu tại một Hội thảo về đào tạo nghề- Ảnh Cổng TT Tổng cục GDNN

Ông Vũ Xuân Hùng: Phải nói rằng, Việt Nam có dồi dào lực lượng lao động trẻ, hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, về mặt số lượng thì nguồn lực lao động qua đào tạo của Việt Nam ở mọi trình độ đều thấp. Theo thống kê thị trường lao động năm quý 3 năm 2018, trên cả nước hiện có hơn 54 triệu lao động trong độ tuổi, thì chỉ có 22,24% là lao động nghề được qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Như vậy, có một lượng lớn không được đào tạo, giáo dục bài bản, chủ yếu là tự học. Chính vì thế, một thách thức rất lớn đặt ra hiện nay là làm sao để thu hút được người học vào các trường nghề. Cùng với đó, các trường cần phải đổi mới như thế nào để nâng cao chất lượng giảng dạy. Thách thức lớn thứ hai là vấn đề gắn kết giữa các trường nghề với doanh nghiệp hiện nay còn lỏng lẻo. Chương trình giảng dạy, đào tạo chủ yếu tại các trường nghề hiện nay thường dựa trên một chuẩn chung hay những gì nhà trường hiện có, chứ không bám sát nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường không biết thực tế họ đang thay đổi gì để cập nhật vào chương trình giảng dạy.

PV: Như vậy thì cơ hội tìm được việc làm của sinh viên các trường nghề sau khi học xong là như thế nào thưa ông.?

Đổi mới đào tạo nghề để giúp người lao động thích nghi với thời cuộc mới - ảnh 2Ban chỉ đạo một dự án hợp tác Giáo dục dạy nghề Việt Nam - Đan Mạch

Ông Vũ Xuân Hùng: Phải nói sinh viên trường nghề ra trường, 90% xin được việc làm, dễ hơn rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học, duy chỉ có điều mức lương của lao động nghề còn thấp, không phù hơp với sự lựa chọn và mong muốn của các em. Nói là có nhiều trường, nhưng việc đào tạo nghề ở Việt Nam vẫn còn rất ít so với nhu cầu ngày càng lớn của thị trường lao động. Những sinh viên được đào tạo bài bản tại các trường nghề bao giờthích ứng với công việc rất nhanh chóng và thái độ làm việc nghiêm túc. Chứ không hẳn như người ta nói rằng, học viên nghề ra trường khi đi làm đều phải đào tạo lại từ đầu. Tùy đặc thù từng công việc mà mỗi doanh nghiệp chỉ phải đào tạo họ thêm về kỹ thuật hay kỹ năng nào đó riêng thôi.

Cũng phải nói là mấy năm gần đây,tay nghề của lao động Việt Nam cũng được cải thiện. Trong 10 lần thi tay nghề ASEAN, Việt Nam 3 lần giành giải nhất. Và theo những người sử dụng lao động tại các nước phản ánh về Bộ thì người Việt Nam có kỹ năng làm việc tốt, có sự khéo léo về tay chân. Trong tương lai, tôi tin rằng, lao động qua đào tạo ở Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ ứng phó, thích nghi tốt  với sự thay đổi của thị trường lao động để không chỉ phục vụ trong nước mà sẽ di chuyển đến các nước khác.

Đổi mới đào tạo nghề để giúp người lao động thích nghi với thời cuộc mới - ảnh 3 2 thí sinh nghề xây gạch đạt HCV tại cuộc thi tay nghề ASEAN 12 tại Thái Lan.
- Ảnh Cổng TT Bộ LĐ-TBXH

PV: Thưa ông, người ta đang lo ngại, trong thời đại mới nơi mọi thứ  được tự động hóa thì robos sẽ thay thế hoàn toàn lao động chân tay. Ông nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?

Ông Vũ Xuân Hùng: Thực ra không đáng sợ lắm đâu. Không phải là CM 4.0 lấy việc hết của con người đâu mà nghề này mất đi thì nghề khác lại ra đời. Chính vì thế, vấn đề đặt ra cho chúng tôi trong câu chuyện đào tạo nghề là làm sao trang bị cho người học kỹ năng thích ứng với công nghệ hiện đại. Bên cạnh việc học về kỹ năng xử lý, vận hành công nghệ, sinh viên trường nghề ở hệ sơ cấp cũng được học lập trình một cách bài bản. Liên quan đến công nghệ, tôi cho rằng, kỹ năng con người (kỹ năng mềm) mới là quan trọng nhất. Ngoài kỹ năng hướng nghiệp, đổi mới, sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm...người lao động còn phải có khả năng nhạy bén, ứng phó với sự thay đổi của công nghệ và tiếp cận chúng một cách nhanh nhất.

PV: Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TBXH cùng với Bộ GD-ĐT có những giải pháp gì, đặc biệt trong vấn đề giáo dục và đào tạo nghề, thưa ông?

Bộ LĐ TBXH xác định trong thời gian tới, trọng tâm xuyên suốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói chung, trong đó tập chung những giải pháp mang tính đột phá. Thứ nhất là đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Bởi, nếu số lượng người học nghề cứ giảm thì xã hội sẽ thiếu nghiêm trọng nguồn lực lao động nghề. Bởi họ chính là những người trực tiếp làm ra sản phẩm, của cải vật chất, giá trị gia tăng cho xã hội. Đội ngũ này hiện nay đang thiếu nhiều trong khi lao động gián tiếp là những người làm văn phòng, bàn giấy lại đang dư thừa.

Đổi mới đào tạo nghề để giúp người lao động thích nghi với thời cuộc mới - ảnh 4Kêu gọi hơn nữa sự hợp tác của doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề. Ảnh tintuc.vn 

Giải pháp thứ 2 là sẽ tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, để doanh nghiệp phải trở thành một chủ thể quan trọng, tham gia cùng các trường trong quá trình đào tạo. Giải pháp trọng tâm thứ 3 đó là, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tính tự chủ trong hoạt động đào tạo và tài chính kèm theo tính tự chịu trách nhiệm của các trường nghề. Nhà nước sẽ chi cấp ngân sách cho các trường theo đặt hàng, theo đầu ra sản phẩm như cơ chế cung cầu thị trường, chứ không cấp ngân sách theo hình thức chi thường xuyên hàng năm như trước đây. Bên canh đó, Việt Nam cần học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nước. Chẳng hạn, Chính phủ Đan Mạch đang hỗ trợ Việt nam triển khai một dự án về Giáo dục đào tạo nghề từ năm 2017-2020. Kết thúc giai đoạn 1, dự án, được đánh giá là khá hiệu quả và phù hợp với tình hình hiện nay ở Việt Nam.

PV: Vâng, xin cảm ơn Ông về cuộc trò chuyện.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác