Cộng đồng người Việt Nam tại Nga tuy không đông như tại Mỹ hay Pháp, nhưng cũng là một cộng đồng lớn và có quá trình phát triển lâu dài tới ba, bốn thế hệ. Người Việt tại Nga cũng được biết tới với những hoạt động rất đáng kể của Hội đoàn, đoàn kết tương thân tương ái và hòa nhập với nước sở tại. Ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga chia sẻ về hoạt động cộng đồng ở nơi này, những điểm chung và những nét khác biệt.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Nhân chuyến thăm LB Nga của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng năm 2018, tiến sĩ Đỗ Xuân Hoàng thay mặt BCH Hội người VN tại LB Nga tặngTBT bản lưu gốc tờ báo Sự thật (cơ quan ngôn luận của ĐCS Liên xô cũ) phát hành ngày 14/04/1944, cũng chính là ngày Tổng bí thư ra đời. - Ảnh: Hội người VN tại LB Nga.
|
Nhỏ cũng phải chuyên nghiệp
PV: Thưa ông Đỗ Xuân Hoàng, trong một lần trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN trước đây, ông từng cho biết là sẽ có những thay đổi trong hoạt động của Hội đoàn người Việt tại LB Nga, để có thể thích nghi với tình hình thay đổi của nước Nga cũng như thế giới. Vậy thời gian qua các phương thức hoạt động của Hội đã thay đổi như thế nào?
TS Đỗ Xuân Hoàng: Để duy trì Hội trong tình hình mới, khi các thế hệ cũ dần dần không còn tham gia hoạt động nữa, mà bây giờ lại có rất nhiều thanh niên, sinh viên, thế hệ thứ hai, thứ ba ở Nga, thì muốn tập hợp, muốn có được sự quan tâm của các cháu, các em, chắc chắn phải có những phương thức mới. Tất nhiên mong muốn thì rất lớn. Nói rằng mình hoàn toàn thực hiện được mong muốn đấy thì không đúng, nhưng phải nói rằng cách thức làm việc so với truyền thống xưa nay - những năm 60,70 cũ, đã có những thay đổi rất nhiều.
Ngoài những hoạt động như hưởng ứng các phong trào trong nước, giúp bà con bị thiên tai địch họa hàng năm như các phong trào do mặt trận tổ quốc hoặc trong nước đề xuất, hoặc có những trường hợp cần thiết thể hiện sự ủng hộ của bà con về vấn đề biển đảo…; nếu mà nói về nội bộ cộng đồng thì tập trung hướng vào thanh niên, sinh viên; lấy thanh niên, sinh viên làm nòng cốt cho những việc đó.
Như liên tục trong ba năm liền vừa rồi chúng tôi tổ chức cho sinh viên làm trại hè tại cơ sở Obninsk là nơi có một lượng rất lớn sinh viên Việt Nam sang học. Mỗi lần như vậy 300-400 cháu đến, tổ chức rất tốt, mời cả trường bạn, mời các nơi đến, phải nói là họ rất thích.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam đánh giá cao chất lượng Hội thi văn nghệ cộng đồng tại LB Nga tháng 4/2019 vừa qua. - Ảnh: Hội người VN tại LB Nga. |
Ngoài ra còn các hoạt động truyền thống khác các nơi đều làm, như thể thao cộng đồng, văn nghệ cộng đồng, thì chất lượng thực hiện, thậm chí quy mô thực hiện được đánh giá không kém gì chuyên nghiệp trong nước. Ví dụ như giải ca hát cộng đồng vừa rồi, chúng tôi đã mời từ trong nước những nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân Việt Nam sang.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam đã đánh giá: đứng ở mức độ nghiệp dư, mức độ hội đoàn mà tổ chức được như thế này là điều anh ấy không ngờ được. Điều ấy để nói lên chất lượng thực hiện. Quan điểm của chúng tôi là, số lượng rất cần thiết, nhưng không đánh đổi số lượng bằng chất lượng. Đó là quan điểm xuyên suốt của Ban chấp hành.
PV: Với những hoạt động được đánh giá ở mức độ làm việc chuyên nghiệp như thế, hẳn là BCH Hội cũng có đặt ra những tiêu chí trong việc hoạt động như thế nào?
TS Đỗ Xuân Hoàng: Tất nhiên về mặt BCH thì cần số lượng để có tính đại diện, nhưng không phải mọi người ở nước ngoài đều có thời gian cũng như năng lực cần thiết để tham gia, nên bao giờ cũng phải có hạt nhân của Hội, một nhóm nhỏ có tinh thần, khả năng, kinh nghiệm và uy tín để thực hiện công việc đấy một cách ổn định và có chất lượng.
Thứ hai là về nguồn lực, phải cân đối được và phải chuẩn bị cho chu đáo. Có nguồn lực mới làm. Tập trung là nguyên tắc rất quan trọng để đảm bảo hoạt động hội đoàn có kết quả tốt. Vì tập trung cao thì việc điều hành cũng như quán triệt các phương thức làm dễ hơn. Văn phòng Hội cũng vậy, ít người và năng lực làm việc cao.
Khi tổ chức các công việc thì cách tiếp cận không nên nghiệp dư, mà dù nhỏ cũng phải nhìn nhận nó như một việc quan trọng. Việc chuẩn bị hậu cần chu đáo là yếu tố tiên quyết để xác định hoạt động của mình có kết quả. Phải biết chọn ra, tập trung vào một số đầu việc chính để duy trì được tính liên tục của nó. Vì có 3 tiêu chí lớn của Hội: Một là đoàn kết, phát triển giúp đỡ nhau, hai là hướng về quê hương đất nước, ba là ngoại giao nhân dân với bạn - là điều kiện tiên quyết cho mình tồn tại ở đây.
Đối ngoại nhân dân: Chung thủy và chân thành
Chủ tịch Hội người VN tại LB Nga, tiến sĩ Đỗ Xuân Hoàng phát biểu tại cuộc gặp mặt các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô năm 2018. - Ảnh: PV VOV/LB Nga
|
PV: Ông có thể ví dụ về một hoạt động ngoại giao nhân tiêu biểu mà theo ông Hội người VN tại LB Nga đã làm được?
Ông Đỗ Xuân Hoàng: Hai chục năm qua, mỗi năm một lần cứ 5/8 Hội lại tài trợ mời hàng trăm cựu chiến binh, cựu chuyên gia quân sự của Liên Xô ở Việt Nam đến. Họ rất ngạc nhiên là tại sao mình có thể giữ được bền bỉ, ổn định và lâu như vậy, quy mô rất lớn. Nó thể hiện tấm lòng mình với bạn trước sau như một, không bao giờ chỉ nói miệng. Rồi những dịp như mùng 2/9, ngày báo chí cách mạng… Hội bao giờ cũng cố gắng, một là có ý nghĩa, hai là phải có tính liên tục, ba là có mục tiêu rồi thì chất lượng thực hiện phải tốt, chuẩn bị phải tốt. Bí quyết chỉ có thế thôi.
PV: Vâng, hình như gặp mặt các cựu chiến binh cũng là một hoạt động khá đặc biệt của cộng đồng người Việt tại LB Nga?
TS Đỗ Xuân Hoàng: Có một thực tế là số lượng chuyên gia quân sự của Liên Xô đã từng giúp đỡ ta là khá lớn. Nhưng cùng với thời gian, các cụ cũng già. Tôi nhớ cách đây khoảng hai chục năm, khi bắt đầu làm những việc này, quy mô có thể lên tới 200 -300 người, tất nhiên là những ai còn tìm được. Đến bây giờ, mỗi lần chỉ có khoảng hơn 100 người. Hiện giờ chúng tôi đang cân nhắc việc có thể mời con cái họ, thế hệ thứ 2. Thường Hội người Việt phối hợp với các nhà hàng Việt Nam, tổ chức một bữa cơm thân mật, mời mọi người đến, có sự tham gia của Đại sứ quán Việt Nam mình, của phòng Tùy viên quân sự mình. Tính chất chính thức cũng có một phần, còn cơ bản đó vẫn là chỗ để các cụ ngồi gặp nhau.
Trại hè sinh viên Obninsk 2019 với chủ đề “Dấu ấn” với sự tham gia của gần 200 sinh viên từ nhiều trường khác nhau trên toàn LB Nga. - Ảnh: PV VOV/LB Nga |
PV: Vừa đoàn kết cộng đồng, vừa hướng về quê hương, đồng thời cũng làm tốt công tác đối ngoại nhân dân như thế. thì hoạt động trọng tâm mà người Việt tại LB Nga hướng tới trong thời gian này và thời gian sắp tới là gì thưa ông?
TS Đỗ Xuân Hoàng: Trước mắt thì đối tượng quan trọng nhất vẫn là sinh viên. Bởi vì nói đến các cháu bé, tất nhiên mong muốn là có, nhưng trong điều kiện sống phân tán, sẽ tương đối phức tạp khi tổ chức một cái gì đó tập trung. Còn sinh viên dù sao cũng tự lập rồi. Và phải nói rằng sinh viên rất có ý thức. lượng sinh viên của ta ở Nga cũng khá đông, được bạn trao nhiều học bổng. Vì thế chúng tôi trước hết tập trung vào hỗ trợ, tạo sân chơi chung cho họ, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức củng cố quan hệ hai nước, bởi vì điều đó cũng phục vụ cho quyền lợi của hai nước, đồng thời giúp cho các cháu lòng tự tin khi mình là người Việt Nam ở nước ngoài.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này.