Kinh tế tuần hoàn - giải pháp thiết yếu cho Phát triển bền vững

(VOV5) - Mô hình mới này được xem là nền tảng, cũng như giải pháp thiết yếu cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. 

Những năm gần đây, nhằm giải quyết những vấn đề lớn của xã hội như nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang từng bước chuyển dịch từ các mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền ‘Kinh tế tuần hoàn” (KTTH). Mô hình mới này được xem là nền tảng, cũng như giải pháp thiết yếu cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. PV Đài TNVN phỏng vấn PGS, TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 
PV: Thời gian qua khi nói về những giải pháp phát triển bền vững có đề cập nhiều đến cụm từ “kinh tế tuần hoàn”. Vậy xin PGS cho biết sự khác nhau giữa khái niệm về Kinh tế tuyến tính truyền thống và ‘Kinh tế tuần hoàn” cũng như những lợi ích mà mô hình mới này mang lại cho nền kinh tế.

TS Nguyễn Ánh Tuyết: Kinh tế tuần hoàn là khái niệm về một hệ thống kinh tế hoạt động dựa trên nguyên tắc thay thế khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu, sản phẩm bằng việc thu hồi, tái chế, tái sử dụng chúng để làm nguyên liệu thứ cấp trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Khác với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, tức là chỉ quan tâm chủ yếu đến việc khai thác tài nguyên để sản xuất rồi tiêu dùng mà chúng ta ít quan tâm đến việc vấn đề thải bỏ một khối lượng phế liệu ra môi trường.

Kinh tế tuần hoàn - giải pháp thiết yếu cho Phát triển bền vững - ảnh 1PGS, TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết chia sẻ tại buổi lễ ra mắt Trung tâm tri thức về Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp

Trong khi mô hình KTTH lại chú trọng vào việc tái tạo tài nguyên theo một vòng tròn khép kín nhờ đó kéo dài tuổi thọ của nguyên vật liệu/ sản phẩm và tránh nhiều nhất việc tạo ra chất thải. Mục đích cuối cùng của KTTH là sẽ thiết kế lại tất cả một chu trình, từ vấn đề quản lý tái tạo tài nguyên, thiết kế lại sản phẩm để làm sao ảnh hưởng ra môi trường là ít nhất, có nghĩa là dòng tài nguyên được tuần hoàn lại tránh tạo ra chất thải nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

PV: Vậy mô hình kinh tế tuần hoàn chính là một giải pháp thiết yếu giải quyết những vấn đề môi trường hiện nay. Thưa PGS, hiện nay Việt Nam đang triển khai những mô hình tiến tới gần hơn với nền Kinh tế tuần hoàn phù hợp với bối cảnh mới như thế nào?

TS Nguyễn Ánh Tuyết: Bản thân từ KTTH nghe là mới trong 2 năm trở lại đây, nhưng khái niệm về nó thì không thực sự là mới. Việt Nam đã đang triển khai các mô hình tương tự riêng rẽ như VAC, sản xuất xanh sạch hơn, tiêu dùng bền vững, rồi các mô hình sinh thái công nghiệp, các tiếp cận 3R- giảm thiểu rác thải, tái sử dụng, tái chế, khái niệm liên quan đến “Không phát thải zero emission”, Tuần hoàn tài nguyên v.v... Trong 2 thập kỷ gần đây, Việt Nam đẩy mạnh tốt các mô hình này. Tuy nhiên nói về KTTH thì phạm vi vĩ mô hơn và gắn kết các mô hình riêng lẻ một cách có hệ thống, tổng thể hơn.

Nếu chỉ làm ở góc độ riêng lẻ, chỉ tính đến yếu tố môi trường không thì dường như Việt Nam chưa có được một cộng đồng doanh nghiệp, các nhà sản xuất đủ động lực để hợp tác, kết nối đẩy mạnh phát triển quy mô thành một nền kinh tế tuần hoàn khép kín. Khi mà đưa triết lý kinh tế tuần hoàn sẽ giúp thay đổi cả một chuỗi, một dòng chảy trong hệ thống xã hội từ khâu khai thác tài nguyên, nguyên vật liệu, đến khâu thiết kế lại sản phẩm, năng lực quản lý lãnh đạo để kết nối sang các khâu về sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Tất cả tạo ra cho xã hội dòng chảy kinh tế đều, doanh nghiệp sống tốt và tính tuần hoàn mới xuyên suốt và dài hạn.

Kinh tế tuần hoàn - giải pháp thiết yếu cho Phát triển bền vững - ảnh 2Ảnh minh họa về mô hình Kinh tế tuần hoàn. 

PV: Theo PGS, Việt Nam đang gặp phải những khó khăn, thách thức gì trong triển khai việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn?

TS Nguyễn Ánh Tuyết: Khó khăn hiện nay là Việt Nam đang thiếu kỹ năng và tinh thần sẵn sàng về tư duy và đặc biệt là thiết kế lại sản phẩm. Về kỹ năng và kiến thức liên quan đến KTTH Việt Nam cần phải bù đắp, ngay khi thế giới cũng đang tiếp tục hoàn thiện. Việt Nam mình và các nước ở châu Âu hay khu vực vẫn còn một khoảng cách. Điều nữa khi các triết lý KTTH vào Việt Nam thì việc tiếp cận về học thuật chúng ta làm tốt vì nhận thức được rất nhanh được những lợi ích mà mô hình KTTH mang lại. Việt Nam cũng đang làm khá tốt trong việc tiếp cận, đưa chủ trương, quy định về chính sách và có thể chúng ta chuẩn bị những quy định luật hóa để thúc đẩy việc thực hiện.

Kinh tế tuần hoàn - giải pháp thiết yếu cho Phát triển bền vững - ảnh 3Quy trình tái chế rác thải là một trong những chu trình phổ biến trong mô hình Kinh tế tuần hoàn. Ảnh Bộ Công thương

Đó là góc độ vĩ mô, nhưng ở góc độ thực hiện cụ thể là các doanh nghiệp, mức độ lại khá chậm. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng Việt Nam nên có thêm những chia sẻ tri thức, kinh nghiệm giữa các bên liên quan hoặc từ các bài học kinh nghiệm của quốc tế với Việt Nam… sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách này.

PV: Đúng là, Việt Nam mình cần đẩy mạnh học hỏi nhiều hơn nữa kinh nghiệm quốc tế, từ các quốc gia đang thực hiện thành công KTTH sử dụng công nghệ số, từ đó chuyển giao và áp dụng phù hợp với  hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Đây cũng là lý do mà Đại học Bách Khoa mới đây thành lập Trung tâm trí thức về Kinh tế tuần hoàn đầu tiên ở Việt Nam. Dự án đặc biệt có sự tham gia của những đối tác nước ngoài?

TS Nguyễn Ánh Tuyết Trên đánh giá sơ bộ như thế, chúng tôi đã xây dựng Trung tâm trí thức Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết cho các doanh nghiệp, chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng áp dụng chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang Kinh tế tuần hoàn phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam.

Để làm được điều này, chúng tôi kết hợp với các chuyên gia đến từ Quỹ Newton, Đại học Aston ở Vương quốc Anh. Đây là quốc gia đang làm rất tốt mô hình này. Chúng tôi kỳ vọng Trung tâm trí thức KTTH sẽ là nơi kết nối để việc trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà hoạt định chính sách, các cơ quan chính phủ.

Những kết quả của dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp cho các sáng kiến, các công cụ hữu ích trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và cho các chiến lược của chính phủ như Kinh tế xanh, cacbon thấp, công nghiệp 4.0, môi trường làm việc lành mạnh nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế đảm bảo tăng trưởng bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS, TS,.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác