Mỗi du học sinh là một đại diện cho nền văn hóa, xóa bỏ đi định kiến, thu hút mọi người đến với VN

(VOV5) - Nguyễn Đức Hòa hiện đang là sinh viên năm cuối khoa toán kinh tế và quan hệ quốc tế của trường Lafayette College, Hoa kỳ. Tại đây, bên cạnh việc học tập, Đức Hòa luôn năng nổ trong những hoạt động ngoại khóa của trường, là Phó Chủ tịch đội bóng đá nam và là thành viên Hội đồng quản trị của Câu lạc bộ đầu tư. Vào những dịp nghỉ hè, Hòa lại trở về Việt Nam và góp mặt trong một số dự án hướng đến cộng đồng, chia sẻ kiến thức và những nghiệm của mình trong quá trình du học đến với giới trẻ ở quê nhà. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Nguyễn Đức Hòa về những hoạt động này, cũng như việc giữ gìn bản sắc Việt Nam trong giới du học sinh tại Hoa kỳ.

Mỗi du học sinh là một đại diện cho nền văn hóa, xóa bỏ đi định kiến, thu hút mọi người đến với VN - ảnh 1
Nguyễn Đức Hòa

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:


PV: Được biết hiện tại Hoa đã học năm thứ 4 Đại học và còn 1 kỳ nữa là sẽ tốt nghiệp. Và bên cạnh đó, bạn vẫn tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, vì cộng đồng?

Đức Hòa:
Từ những năm cấp 3 tôi đã tự hứa với mình là phải tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là những hoạt động vì cộng đồng. Tôi bắt đầu từ những hoạt động nhỏ thôi, ví dụ như các câu lạc bộ ở trường, và sau đó là chương trình định hướng của trường chuyên ngoại ngữ. Sau đó tôi chủ yếu tập trung vào những chương trình giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc những bệnh nhân trong bệnh viện. Sau này, càng đi và biết nhiều hơn, tôi tham gia vào các Câu lạc bộ đầu tư, và hiện tại tôi tập trung toàn bộ thời gian cho Quỹ Đầu tư VIC – Vietnam Investment Club, hướng đến các công ty khởi nghiệp của Việt Nam, và giúp các công ty khởi nghiệp này mang ý tưởng của mình ra tầm cỡ khu vực. Trọng tâm của Quỹ đầu tư này có thể là công nghệ thông tin, công nghệ giáo dục, và những ngành công nghệ có thể phát triển nhanh mà tốn ít vốn.

PV: Hòa suy nghĩ như thế napo về việc một du học sinh khi ra nước ngoài học tập, thì bên cạnh việc học tập của mình cần phải có những hoạt động cộng đồng để khẳng định tinh thần Việt Nam ở nước ngoài?

Đức Hòa: Mỗi người Việt khi đi du học thường chỉ nghĩ là mình đi là để học. Nhưng thật ra, mình đang đại diện cho cả nền văn hóa của đất nước mình. Một người bạn của tôi nói rằng, người nước ngoài nhìn vào mình ở nước người ta, thì mình sẽ là Việt Nam đối với họ, chính vì vậy từng hành động, từng lời nói, từng cách ứng xử của chúng ta ở nơi xứ lạ đều có tầm quan trọng nhất định. Chính vì vậy mỗi người Việt ở nước ngoài đều đại diện cho nền văn hóa ấy, nên làm thế nào để mọi người xóa bỏ những định kiến, những suy nghĩ ban đầu có thể là tiêu cực về một đất nước vì người ta chưa biết gì về đất nước chúng ta cả, chỉ là xem qua báo đài hay những câu châm biếm nào đó mà thôi. Vậy thì trách nhiệm của chúng ta là đại diện cho nền văn hóa, xóa bỏ đi những định kiến, và thu hút mọi người đến với đất nước mình.

PV: Với tinh thần Việt Nam như thế, thì các bạn du học sinh tại Mỹ nói chung và trong trường của Hòa nói riêng làm thế nào để trong một tập thể nhỏ - vì chắc số học sinh Việt Nam không phải là số đông trong trường – nhưng vẫn khẳng định được bản sắc của người Việt Nam giữa một cộng đồng đa sắc tộc như thế?

Đức Hòa: Có một câu khá quen thuộc với mọi người là “hòa nhập chứ không hòa tan”. Ví dụ như ở trường tôi, chỉ có 12 học sinh người Việt, nhưng anh em đã ngồi lại với nhau, và quyết tâm là có những hành động để thể hiện rằng mình luôn sẵn sàng thay đổi và học hỏi, đồng thời sẵn sàng đại diện cho nền văn hóa của mình. Ví dụ như khi ở cùng với các bạn ở những nước khác thì không bao giờ nói tiếng Việt mà chỉ nói tiếng Anh để cho tất cả mọi người đều hiểu, và cũng là để tỏ ra sự tôn trọng người khác. Khi có các sự kiện ở trong trường thì mình luôn tham gia với đầy đủ đội hình, và làm hết sức có thể để vừa mang văn hóa của mình giới thiệu với các bạn, vừa để cho các bạn thấy là mình có thể là hát không hay nhưng mình cũng đã rất cố gắng. Còn trong việc học tập thì luôn giúp đỡ lẫn nhau, các anh chị đi trước giúp đỡ đàn em, kể cả khi các anh chị đã tốt nghiệp, đã ra đi làm rồi nhưng vẫn còn giữ liên lạc và giúp đỡ các em rất nhiều. Đó là những việc mà sinh viên Việt Nam không chỉ ở Lafayette mà cả các trường khác ở Mỹ đang áp dụng để giữ được bản sắc của mình.

PV: Cảm ơn Đức Hòa, và hy vọng rằng sẽ gặp lại bạn vào mùa hè năm sau tại Việt Nam, cùng với những câu chuyện thú vị khác.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác