(VOV5) - "Vươn khơi bám biển cũng là để góp phần cùng Cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền, hay chính là bảo vệ ngôi nhà của chúng ta ngay tại đảo Lý Sơn này".
Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” đã được triển khai tại các xã (huyện) đảo xa đất liền đến nay đã được 2 năm. Mô hình này đã hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Về hiệu quả thực tế của mô hình này đối với bà con ngư dân, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Chinh, ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Nghiệp đoàn nghề cá VN, phụ trách khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, đồng thời là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, mô hình cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân đã được Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 triển khai được hơn 2 năm. Là người trực tiếp làm việc với ngư dân, ông có thể cho biết những hiệu quả của chương trình dân vận này?
Ông Nguyễn Quốc Chinh: Trước đây các ngư dân thường ra khơi đơn lẻ, khi gặp thiên tai và nhân tai phải tự xoay xở một mình, nên thiệt hại rất lớn. Từ khi được swjq uan tâm của Đảng, Nhà nước, Cảnh sát biển VN và Bộ Tư lệnh vùng 2 về Lý Sơn làm việc với Đảng ủy, UBND xã và Nghiệp đoàn tổ chức lễ kết nghĩa Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân, thì hiệu quả trong 2 năm đạt được như sau: Khi ngư dân ra khơi, lực lượng chấp pháp của chúng ta – tức là lực lượng cảnh sát biển luôn đồng hành với ngư dân, giúp ngư dân an tâm, kiên trì bám biển, có thêm thời gian khai thác, tăng sản lượng, giảm chi phí cho những chuyến ra khơi. Khi ngư dân gặp nạn trên biển được lực lượng cảnh sát biển kịp thời cứu nạn, chính vì vậy nên ngư dân rất yên tâm, kiên trì vươn khơi bám biển.
Đại diện Vùng Cảnh sát biển 2 đến thăm hỏi, động viên gia đình ngư dân ở Lý Sơn
|
PV: Cụ thể, các hoạt động hỗ trợ ngư dân trong mô hình dân vận này được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Chinh: Khi ngư dân bị thiên tai, nhân tai, thì lực lượng Cảnh sát biển của Bộ Tư lệnh vùng 2 thường tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp cả vật chất lẫn tinh thần, giúp ngư dân mua sắm những trang thiết bị mất đi, hỗ trợ cấp học bổng cho con em ngư dân có điều kiện đến trường, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
PV: Một vấn đề rất cần được quan tâm đó là làm sao cho ngư dân hiểu được các quy định của pháp luật khi tiến hành đánh bắt trên biển bởi những kiến thức này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc hàng ngày của họ. Vậy Nghiệp đoàn đã phố hợp cùng các lực lượng khác, đặc biệt là Cảnh sát biển để trang bị những kiến thức pháp luật cho ngư dân như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Chinh: Tỉnh Quảng Ngãi có nhiều lực lượng nhưng khi các đoàn ra tuyên truyền thì ngư dân thường không có nhà, làm sao họ tiếp thu được. Mỗi lần sinh hoạt, chúng tôi nắm được số lượng các đoàn viên và kêu gọi họ về cùng tham gia. Mỗi dịp như thế, chúng tôi mời Cảnh sát biển cùng tham gia để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ngư dân, đồng thời tuyên truyền về pháp luật, luật biển cùng các nghị định của Chính phủ, từ đó ngư dân ý thức được trách nhiệm của mình và chấp hành đúng luật. Các ngư dân được nghe về sẽ tuyên truyền lại cho những người khác, từ đó họ bám biển trên 2 ngư trường chủ quyền của VN và không vi phạm lãnh hải của những nước khác.
Cảnh sát biển tặng cờ và tuyên truyền pháp luật biển cho ngư dân
|
Khi có thông báo về Khai thác bất hợp pháp, chúng tôi cùng Cảnh sát biển sáng lập ra 10 điều cấm theo quy định của Tổng cục thủy sản, và thông báo cho dân để họ cam kết không vi phạm. Chúng tôi xác định với ngư dân, nếu khai thác hải sản không đúng, bị trao thẻ vàng và thẻ đỏ thì sẽ không được chấp nhận và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của chính họ. Vì vậy họ ý thức không chạy theo lợi nhuận và chấp hành đúng các quy tắc, quy định đã đề ra.
Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 2 cùng các nhà tài trợ tặng téc nước cho ngư dân Lý Sơn
|
PV: Như vậy có thể nói rằng Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải cũng đã rất ủng hộ mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”, cũng như đã có chú trọng sự phối hợp chặt chẽ với cảnh sát biển để hỗ trợ tố đa cho ngư dân?!
Ông Nguyễn Quốc Chinh: Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải ra đời ngày 15/9/2011 với sự quan tâm của Tổng liên đoàn Lao động VN. Đây là nghiệp đoàn đầu tiên trong cả nước được thành lập, với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng và tính mạng của ngư dân trên biển Đông. Chính vì thấy được điểm tựa vững chắc, nên người dân đã viết đơn xin gia nhập Nghiệp đoàn nghề cá ngày càng đông. Hiện tại chúng tôi có 865 đoàn viên của 58 tàu đánh bắt xa bờ. Chúng tôi xác định cho ngư dân rằng khai thác hải sản là phải vừa khai thác, vừa bảo vệ để tái tạo nguồn lợi hải sản. Nếu khai thác gần bờ thì sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước. Bên cạnh đó, vươn khơi bám biển cũng là để góp phần cùng Cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền, hay chính là bảo vệ ngôi nhà của chúng ta ngay tại đảo Lý Sơn này.
PV: Xin cảm ơn ông.