(VOV5) -Theo mô hình lý tưởng hiện nay thì Việt Nam nên phát triển đô thị thông minh theo hướng có sự kết hợp của 4 chủ thể là chính quyền, chuyên gia, doanh nghiêp và người dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Phát triển thành phố thông minh (Smart Cities) đang là một xu hướng tất yếu trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng thành phố thông minh cũng là mục tiêu được các đô thị ở Việt Nam hướng tới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Phóng viên Hà Linh phỏng vấn tiến sĩ Phạm Thanh Long, nghiên cứu viên tại trường Đại học tổng hợp Cork ở Cộng hòa Ai Len về nội dung này, trong đó nhấn mạnh sự tham gia, tiếp cận của người dân trong xây dựng một cộng đồng thông minh bền vững..
Tiến sĩ Phạm Thanh Long (Long Phạm) nghiên cứu viên tại trường Đại học College Cork, Cộng hòa Ai Len. Ảnh nv cung cấp |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
PV: Xin chào chị, xin chị giới thiệu một chút về bản thân và công việc đang làm ở trường Đại học Cork ở Cộng hòa Ai Len.?
Tiến sĩ Phạm Thanh Long (TS): Tôi là Phạm Thanh Long (ở CH Ai Len thường gọi là Long Pham) đang là nghiên cứu viên của trường Đại học Tổng hợp College Cork ở Ai Len. Thời gian đầu sang Ailen, tôi nghiên cứu về thành phố thông minh nhưng chuyên về mảng chính sách năng lượng Xanh, năng lượng tái tạo vào ứng dụng trong thực tế.
Hành trình tham gia nghiên cứu Thành phố thông minh bắt đầu từ khi tôi làm việc tại công ty IBM ở Việt Nam cách đây hơn 5 năm. Thời điểm đó thì Smart City mới chỉ biết khái niệm, chưa biết được định hình như thế nào mà chỉ nghĩ đến câu chuyện bây giờ là khả năng phân tích, thu thập dữ liệu, sự hữu dụng, tiện ích của các hệ thống gọi là siêu máy tính và các công cụ khác. Trên thực tế thì mọi người bây giờ chỉ biết đến tính tiện ích, sự hữu dụng của trong cuộc sống của những hệ thống như hệ thống nước sạch, y tế, giao thông hay giáo dục đó mà không mấy ai hiểu được bản chất, sự vận hành hay tình trạng của chúng. Tại trường Đại học Cork tôi làm 2 việc.Thứ nhất là phát triển hợp tác giữa đại học Cork với các trường đại học hàng đầu ở ASEAN, trong đó có Việt Nam về đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ. Công việc thứ 2 của tôi là thực hiện nghiên cứu sâu về lĩnh vực “thành phố thông minh”.
Tiến sĩ Phạm Thanh Long ( phải) tại một buổi nói chuyện về chủ để Thành phố thông minh ở Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội. Ảnh Hà Linh |
PV: Chủ đề nghiên cứu về Thành phố thông minh rất rộng, vậy các đề tài nghiên cứu của chị tập trung vào nội dung gì?
TS Phạm Thanh Long: Những nghiên cứu về thành phố thông minh của tôi tập trung vào nội dung “Xây dựng thành phố thông minh với sự tham gia hiệu quả của người dân”. Nghĩa là, người dân được tham gia từ khâu hoạch định ban đầu, lên kế hoạch đến hành động, triển khai như thế nào tại những nơi có đủ điều kiện đi vào lộ trình xây dựng thành phố thông minh. Khi tham gia, người dân hiểu cái gì cần ưu tiên, khó khăn thuận lợi ra sao và có thể đóng góp được gì. Những am hiểu của người dân ở địa phương rất là quan trọng, sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực kinh phí rất lớn. Trong nghiên cứu của mình, tôi đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng công nghệ như thế nào cho việc tham gia cũng như tăng cường năng lực của người dân cùng chính quyền địa phương đưa ra các quyết sách và hành động. Nếu như trước nay chúng ta có khẩu hiệu “dân biết dân bàn dân kiểm tra giám sát” thì nay có thêm là “dân thụ hưởng”. Đó chính nội dung trong mảng nghiên cứu của tôi về các xu hướng quản trị địa phương và thành phố thông minh là một phần trong đó.
TS Phạm Thanh Long với thị trưởng thành phố Cork |
PV: Theo chị, các thành phố lớn ở Việt Nam, chẳng hạn như Hà Nội, có thể áp dụng như thế nào những mô hình được xem là chuẩn về phát triển một thành phố thông minh (Smart City)?
TS Phạm Thanh Long: Hà nội vừa là trung tâm kinh tế, vừa là trung tâm văn hóa chính trị lớn của Việt Nam. Vì thế việc ưu tiên cho phát triển thành phố thông minh là xu hướng tất yếu. Hiện tại Hà Nội đang triển khai một số đề án thông minh trong đó có Trung tâm quản tri, điều hành thông minh. Một mảng nữa Hà Nội đang làm liên quan đến lĩnh vực y tế công cộng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, những dự án đó vẫn chưa có sự tham gia hiệu quả của người dân. Ở một số nước họ làm rất tốt, chẳng hạn như người dân sử dụng điện thoại thông minh, tải ứng dụng hay tin nhắn để được tiếp cận thông tin cảnh báo y tế công đồng. Hoặc, trước khi đưa ra một chính sách gì thì bằng điện thoại di động, người dân có thể tương tác với chính quyền qua một kênh thông tin để cho ý kiến,giải pháp. Một khi đã làm cho người dân tin tưởng tham gia thì họ sẽ là một nguồn lực lớn đóng góp những giải pháp hiệu quả vào quá trình xây dựng thành phố tương lai. Theo mô hình lý tưởng hiện nay thì Việt Nam nên phát triển đô thị thông minh theo hướng có sự kết hợp của 4 chủ thể là chính quyền, chuyên gia, doanh nghiêp và người dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Chị Phạm Thanh Long (đội mũ, áo choàng đỏ) chụp ảnh cùng các đồng nghiệp và gia đình tại trường USSH và UCC trong ngày nhận bằng Tiến sĩ. Ảnh nv cung cấp |
PV: Nói một cách dễ hiểu nhất thì theo chị thế nào là một thành phố hay một đô thị thông minh?
TS Phạm Thanh Long: Thông minh cuối cùng là gì?- Là làm thế nào để người dân sống trong thành phố đó được hưởng những kết quả của việc đầu tư với mục đích duy nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống. Cuộc sống hiện nay có quá nhiều áp lực để khi về nhà hoặc sinh hoạt tại khu dân cư thông minh đó, họ cảm thấy thoải mái, tự tin hơn. Để đạt được đích là nâng cấp giá trị cuộc sống thì có nhiều con đường khác nhau nhưng xây dựng thành phố thông minh là sự lựa chọn phổ biến nhất. Tóm lại là, đích đến một thành phố thông minh, thành phố Xanh hay thành phố phát triển bền vững thì đều phải làm sao cả chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đều cảm nhận sự tiện ích, an toàn và thân thiện ở nơi họ sống và làm việc hàng ngày.
PV: Vâng, xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.