Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu là một nhà khoa học quân sự tài năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam ( QĐNDVN). Trong số những công trình nghiên cứu của ông, phương châm “4 tại chỗ”, được ông đúc rút từ kinh nghiệm chiến trường đã trở thành tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược trong phòng chống thiên, nay một lần nữa được vận dụng hiệu quả trong ứng phó dịch bệnh Covid-19. Nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/04/2020), PV Đài TNVN phỏng vấn Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân về sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến tranh và thời bình.
Nghe âm thanh PV tại đây:
PV: Xin chào Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, trong dịp 30/04 này, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành cuốn bút ký của tác giả Kiều Bích Hậu “Vị tướng 9 năm ở Nhà con Rồng”, tập hợp những bài ký về ông trong những năm ở đây. "Nhà con Rồng" (tức Điện Kính Thiên) là một di tích lịch sử quan trọng trong Thành cổ Hà Nội. Thượng tướng có thể chia sẻ khoảng thời gian ông nghiên cứu, tích lũy kiến thức tại đây cũng như cũng cảm nhận của ông với cuốn sách?
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...
Ảnh Hà Linh
|
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Sau khi đọc xong bút ký “Vị tướng 9 năm ở nhà con Rồng”, tôi đánh giá rất cao. Nhà văn Kiều Bích Hậu viết rất sắc sảo, rất sinh động, thực tiễn và vô cùng sâu sắc. Bạn đọc khi tiếp cận cuốn sách này cũng đánh giá cao về trình độ cũng như cách thể hiện văn học của nhà văn Kiều Bích Hậu.
Nói về Nhà con Rồng, năm 1995 khi được bổ nhiệm Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, tôi chuyến đến làm việc và sống ở đó. Trong suốt 9 năm ở đó, tôi nghiên cứu rất nhiều tài liệu về lịch sử của Nhà con Rồng. Đây là nơi hội tụ những tinh hoa nhất của dân tộc Việt Nam qua các triều đại dựng nước và giữ nước. Đó là tinh hoa về nghệ thuật chiến quân sự trên nền tảng của đường lối nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, đặc biệt ở thời đại Hồ Chí Minh.
Là nhà nghiên cứu khoa học quân sự, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có nhiều công trinh khoa học, tác giả nhiều sách về nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Ảnh nv cung cấp |
Má Sáu Ngẫu ( người đeo kính, đứng) trao tấm bản đồ chỉ đường cho chiến sĩ trung đoàn 27 năm xưa Nguyễn Huy Hiệu (ngồi thứ 2 bìa phải)
|
|
Trong 2 cuộc kháng chiến, đặc biệt là chống Mỹ cứu nước, các lãnh đạo Việt Nam cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy TW đã hoạt động tại Nhà con Rồng. Trong chiến dịch đường 9 Nam Lào, khi là Tiểu đoàn trưởng sau đánh trận đánh 28 xe của địch chi viện cho bản đông, năm 1973 ( Hiệp định Paris ký kết) tôi được ra Hà Nội dự Hội nghị tổng kết cùng đồng chí Phạm Minh Tâm, trung đoàn trưởng, trung đoàn 27 của mặt trận B5. Lúc này, tôi được các đồng chí của Bộ Tổng tham mưu giới thiệu toàn bộ hệ thống rất tuyệt mật của Sở chỉ huy của Quân ủy trung ương.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam . Ảnh tư liệu nv cung cấp |
Quãng thời gian 9 năm thực hiện nhiệm vụ trên cương vị là Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN và Thứ trưởng Quốc phòng tại Nhà con Rồng, giúp tôi nghiên cứu, tập hợp tích lũy được kho báu trí tuệ để từ đó có những sáng tạo, công trình khoa học cống hiến cho nghệ thuật quân sự Việt Nam. Khi đọc cuốn bút ký của nhà văn Kiều Bích Hậu, tôi đã hồi tưởng lại những năm tháng mình được vinh dự sống trong Nhà con Rồng.
PV: Vâng, thưa Thượng tướng, trong cuốn bút ký có nhắc đến việc ông chính là cha đẻ của phương châm “4 Tại chỗ”- một giải pháp vận dụng hiệu quả không chỉ trong chiến tranh mà còn trong thời bình? Ông có thể chia sẻ với bạn nghe đài về hoàn cảnh ra đời phương châm này?
Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng cô Hai Mỹ trên xe tăng tiến vào Sài Gòn - ảnh tư liệu nv cung cấp. |
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi tham gia 4 chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ chiến dịch Mậu Thân 1968 đến chiến dịch đường 9 Nam Lào của chiến dịch 1971, chiến dịch 1972 và kết thúc chiến tranh, chiến dịch giải phóng miền Nam 1975 ở các cương vị khác nhau.
Ở đây tôi nhớ rất rõ là sau chiến dịch Mậu thân 1968, địch bắt đầu tiến hành các đợt phản kích trực thăng dữ dội, trực thăng nó bay lượn rất nhiều như chuồn chuồn sắp ngày đêm, càn quét để chiếm lại vùng giải phóng mà cuộc tổng tấn công của chúng ta giành được trong giai đoạn đầu. Khi đó, quân giải phóng của chúng ta lại không thể cơ động được mà phải rút về căn cứ để tiếp tục đánh địch bảo vệ vùng giải phóng và căn cứ địa của mình ở miền nam Việt Nam.
Trong hoàn cảnh đó buộc chúng tôi phải tính phục kích địch bắn ở các tuyến bay mà trực thăng Mỹ có thể tiếp cận vào hoặc phán đoán địa điểm máy bay địch có thể đi qua. Vì thế, trong bối cảnh hỏa lực rất mạnh, chúng tôi nghĩ không còn cách nào hơn là mình phải thực hiện cách đánh tại chỗ, bằng tất cả các lực lượng bộ đội chủ lực, địa phương, dân quân du kích thậm chí cả biệt động thành, nhằm mục đích chia cắt địch, làm tiêu hao lực lượng địch và hạn chế tối gây đa thương vong. Trong chiến tranh, chúng tôi đã giành nhiều thắng lợi khi thực hiện phương châm này.
Trong thời bình, ông còn là vị tướng của những trận đánh chống thiên tai. Ảnh nv cung cấp. |
PV: Và ở trong thời bình, phương châm này cũng được vận dụng linh hoat sáng tạo để phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Ông suy nghĩ như thế nào khi nó một lần nữa đang được áp dụng trong chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Trong thời bình, chúng tôi đã áp dụng giải phảp này nhưng lúc đó chưa bài bản, chỉ do thực tiễn đặt ra mà mình tổng kết lại và vận dụng sáng tạo từ cách đánh trực thăng Mỹ và các phương tiện của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Khi tôi làm Phó Tổng tham mưu trưởng được phân công Phó Ban phòng chống lụt bão trung ương rồi tiếp theo 7 năm Phó Chủ tịch Ủy ban thường trực quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Thiên tai xảy ra ở Việt Nam rất khủng khiếp, trung bình mỗi năm có 6 đến 10 trận bão lớn. Có những trận bão lớn kết hợp triều cường, mưa nhiều gây ra lũ nhất là ở miền Trung.
Tôi nhớ trận đại hồng thủy năm 1999, mặc dù đã chỉ đạo nhiều năm nhưng bắt đầu xảy thảm họa ở miền Trung, gió to, máy bay trực thăng không bay được, mưa ngập nên các loại xe quân sự không thể đến tiếp viện được cho đồng bào bị chia cắt từng vùng. Còn đường biển thì bão to sóng lớn không thể di chuyển được. Trong hoàn cảnh đó, nhớ lại về con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển hồi chiến tranh, chúng tôi đã tìm được cách mở đường trên biển ngay trong điều kiện sóng to bão lớn, dùng tàu cứu hộ vào cứu đồng bào Quảng Nam bị mắc kẹt.
Sau thảm họa đó, tôi nghĩ rằng trong thời điểm thiên tai khủng khiếp cũng như chiến tranh như thế, không có cách nào khác là phải vận dụng phương châm 4 tại chỗ. Tức là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và vật chất tại chỗ. Đó là phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của truyền thống từ xưa ông cha ta đã tồn tại và đối phó với thiên tai và địch họa như nào. Tôi nghĩ, đây là kinh nghiệm trí tuệ của cả dân tộc đã làm từ ngàn đời nay rồi nên cần phải vận dụng để huy động sức mạnh của toàn dân. Chẳng hạn, tận dụng các phương tiện thô sơ như bè mảng, thuyền thúng..của người dân để cứu nhau trước khi chờ được lực lượng cứu hộ.
Khi mới vận dụng thì cái gì nhớ trước thì làm trước, sau đó chúng tôi mới tổng kết thành phương châm sử dụng trong đối phó bão lũ và cứu hộ cứu nạn ở Việt Nam.
Hiệu quả của phương châm 4 tại chỗ rất tốt bởi vì phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, với quân đội là lực lượng nòng cốt, tiên phong nhưng lực lượng của toàn dân, sức mạnh là của toàn dân tộc. Vận dụng phương châm này, khi thiên tai xảy ra, từng vùng, từng địa phương, từng gia đình, từng người dân biết chủ động trong mọi việc khâu chuẩn bị (lực lượng, hậu cần..) đến đối phó với bão, lũ rồi cứu hộ cứu nạn làm sao hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.
Phương châm “4 tại chỗ”, đến nay đã thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; bảo vệ có hiệu quả tính mạng, tài sản của người dân.
|
Đến nay phương châm "4 tại chỗ" còn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt đang được ứng dụng trong chống dịch Covid-19 hiện nay. Trong chống đại dịch, "4 tại chỗ" tức là khoanh vùng, từng địa phương, từng thôn xã, bản làng, từng khu phố, từng gia đình rất tốt.
Việc cách ly tại chỗ là cách hiệu quả nhất giúp Việt nam hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan. Hiệu quả của phương châm này hay ở chỗ chúng ta đánh được vào đúng điểm xảy ra, vây nó lại để tập trung lực lượng ngành y tiêu diệt mầm mống dịch bệnh. Tôi nghĩ rằng, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang vận dụng tích cực phương pháp này và ngày càng có hiệu quả.
PV: Đến thời điểm này cuộc chiến Covid-19 đã sang giai đoạn mới khó lường hơn. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Nếu tất cả, toàn dân Việt Nam đồng lòng chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh Covid-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng. Một lần nữa sức mạnh tinh thần đoàn kết toàn dân tộc được khẳng định phải không thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “chống dịch như chống giặc” là rất đúng. Ngày xưa đánh giặc, Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân là sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh của trí tuệ Việt Nam, của truyền thống dân tộc, của nghệ thuật trong chiến tranh nhân dân và đặc biệt là văn hóa Việt Nam.. đã được phát huy ở mức rất cao trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trong một đại dịch phi truyền thống như hiện nay, Đảng, Nhà nước kêu gọi và ra các biện pháp và các cấp, ngành đã phát huy sức mạnh tối đa để thực hiện lời kêu gọi rất thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.
Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa xuất bản cuốn bút ký của nhà văn Kiều Bích Hậu " Vị tướng 9 năm ở Nhà Con Rồng" ( Điện Kính Thiên), tập hợp những bài ký về trong trong thời gian làm việc tại đây. |
Tôi nghĩ rằng, dich bệnh Covid 19 vẫn đang diễn ra và Việt Nam chúng ta đang khống chế xử lý dịch rất tốt, được thế giới đánh giá cao, đặc biệt đến nay chưa có trường hợp tử vong. Theo tôi, qua đại dịch này, tôi nghĩ rằng, bản thân tôi là nhà nghiên cứu khoa học quân sự và các nhà khoa học, các tổ chức đoàn thể đặc biệt là y tế cần tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn.
Qua đại dịch này, chúng ta khẳng định với thế giới là Việt Nam có trách nhiệm không chỉ với dân tộc mình mà còn với thế giới. Đặc biệt hơn, trong dịch bệnh chúng ta luôn minh bạch thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vật chất trong khả năng của mình cho nhiều quốc gia để chống dịch bệnh.
Dịch Covid 19 vẫn đang diễn ra, là thảm họa chung của cả thế giới vậy nên cộng đồng thế giới hơn bao giờ hết tiếp tục phải đoàn kết để cùng nhau chiến thắng đại dịch này.
PV: Vâng, Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và xin chúc Thượng tướng sức khỏe.