Trước đây có lớp tiếng Việt tại Hà Lan do Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan thời kỳ đó, bà Ngô Thị Hòa tổ chức. Chị Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan, sau quá trình tham gia, được chuyển giao, tiếp tục duy trì lớp tiếng Việt. Trước tình hình bị động của việc duy trì giáo viên và lớp học, chị đã quyết định thành lập Trung tâm Tiếng Việt Tulip để việc giảng dạy đi vào quy củ, bài bản hơn.
Chỉ một thời gian ngắn hình thành với bốn giáo viên và bước đầu giảng dạy online, trung tâm đã có lượng học sinh quan tâm học tiếng Việt khá đông với nhiều trình độ khác nhau. Chị Nguyễn Thị Lan Hương, phụ trách Trung tâm Tiếng Việt Tulip chia sẻ về hành trình gìn giữ tiếng Việt trên đất Hà Lan qua những hoạt động này..
Chị Nguyễn Thị Lan Hương (ở giữa) cùng phụ huynh và giáo viên lớp tiếng Việt tại Lễ bế giáng CLB Tiếng Việt tại Hà Lan |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Vâng, xin chào chị Lan Hương, có lẽ là chúng ta sẽ bắt đầu từ chính câu chuyện của chị. Được biết chị là một giáo viên dạy Toán ở trong quân đội Việt Nam. Vậy tại sao chị lại chọn từ ngành Toán là môn tự nhiên, chuyển sang dạy tiếng Việt cho người Việt và người nước ngoài ở Hà Lan?
Chị Nguyễn Thị Lan Hương: Bởi vì chính bản thân con tôi khi ở nước ngoài các cháu cũng phải thi tiếng Việt. Tôi phải hướng dẫn và giúp đỡ, dạy dỗ các cháu như là một giáo viên. Và cũng tổ chức để cho con học và thi giống như ở trong nước. Cũng rất may mắn con tôi thi đạt được điểm tối đa về môn tiếng Việt. Điều ấy cũng thôi thúc tôi, khi hiểu rằng các con ở nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt rất nhiều.
Đối với trẻ nhỏ thế hệ thứ nhất, thứ hai, nhất là bố mẹ sang đi lao động thì thế hệ thứ hai dễ mất tiếng Việt, bởi vì bố mẹ phải chăm chỉ làm việc, còn con cái thì đi học ở trường nước sở tại. Những trường hợp các con theo cha theo mẹ đi công tác, tiếng Việt rất tốt nhưng nếu các con muốn thi cử tiếng Việt thì lại là một vấn đề. Tôi đã phải làm một việc lấp đầy vào chỗ đó, tức là hướng dẫn cho các con em đi theo cha mẹ, lấy tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai hoặc ngôn ngữ thứ nhất để thi cử.
Từ đó, sau những công việc tôi làm ở bên này, có lớp học dạy tiếng Việt của Sứ quán tổ chức, thì Đại sứ Hòa có mời tôi tham gia dạy cùng với các phu nhân ở đó. Nói chung tôi cũng rất nhàn nhã, bởi vì chỉ tham gia dạy một buổi. Lúc đó học cũng rất vui vẻ. Nhưng từ ngày có dịch covid đến giờ, thì chương trình học bắt đầu nhiều hơn, lớn hơn và số lượng người đăng ký nhiều hơn. Đấy là một tổ chức học tiếng Việt mang tính cộng đồng, bởi vì không thu học phí, chỉ thu một chút phí để chăm lo những vấn đề cơ bản trong một lớp học thôi, còn khi covid thì phí đấy cũng không thu nữa.
Số học sinh trực tiếp tại CLB tiếng Việt khi đó không nhiều, nhưng luôn có được sự đồng hành quý giá từ phụ huynh học sinh. |
Vâng, và tôi cũng được biết thời gian duy trì lớp tiếng Việt từ dịch covid cho tới sau dịch một thời gian dài, thì lớp tiếng Việt dạy online. Những khó khăn mà đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm, không chuyên đã gặp phải, cũng như những khó khăn chung khi dạy tiếng Việt ở Hà Lan suốt thời gian đó như thế nào?
Chị Nguyễn Thị Lan Hương: Trong quá trình giảng dạy ở lớp online này, chúng tôi vấp phải rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là về giáo viên, vì là một lớp cộng đồng không thu phí, cho nên giáo viên chúng tôi mời thì người ta dạy cũng do tình yêu thôi. Thứ hai là khó khăn về tổ chức. Ví dụ khi Sứ quán tổ chức, các việc như địa bàn để học, các buổi khai giảng, bế giảng…phụ huynh có thể cùng tham gia tổ chức với cả sứ quán rất dễ dàng.
Nhưng khi covid xảy ra, thì tổ chức khai giảng online, sau đó Sứ quán cũng có nhiều hoạt động khác chứ không phải mỗi hoạt động cộng đồng, không thể cho mượn phòng giống như trước đây, nên nếu như một số học sinh lân cận muốn học, chúng tôi cũng chưa có phòng. Mỗi một lần tổ chức gì chúng tôi đều tìm kiếm gia đình của các phụ huynh để học tiếng Việt.
Khó khăn thứ ba là chưa có chương trình xuyên suốt. Cũng may mắn là ở trong nước rất quan tâm và đã có hai bộ sách Quê Việt và Tiếng Việt vui để chúng tôi giảng dạy. Nhưng còn một khó khăn cho những người nước ngoài nói tiếng Việt, tức là những người đấy phải biết một chút tiếng Việt rồi, chứ còn nếu như trình độ A0 không biết gì, thì học không dễ chút nào. Nên việc soạn giáo án, tìm giáo án và soạn bài cũng phải do các giáo viên tự tìm tòi, nhìn vào học sinh để soạn sao cho vừa phải, vừa với khả năng và trình độ của học sinh. Thời gian học thường thường chỉ có một tiếng/một tuần, rất là ít. Khó khăn thứ tư nữa, ở bên này một năm học sinh nghỉ rất nhiều, mỗi lần nghỉ một tuần, hai tuần, nếu ở Việt Nam là thời kỳ cho con em đi học thêm, thì bên này không được phép. Kiến thức của một tuần, hai tuần nghỉ cũng rơi rụng đi phần nào.
Tuy khó khăn như vậy nhưng được sự quan tâm của Đại sứ quán, muốn đề nghị gì sứ quán cũng quan tâm đến. Giáo viên cũng là những người có tâm huyết với trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba. Họ rất nhiệt tình, cho dù mỗi người đều làm những việc khác nhau và đều không hoàn toàn chỉ là đi dạy tiếng Việt. Thời gian một tuần một buổi một tiếng, thì việc học rất là mỏng, nên thường thường các cháu phải có sự hỗ trợ của phụ huynh rất nhiều.
Các em cùng phụ huynh hòa giọng hát bài hát Việt Nam. |
Nhìn lại quá trình dạy tiếng Việt của Câu lạc bộ cũng như là của người Việt ở Hà Lan, có lẽ chị đã có những hướng phát triển mới khi hình thành Trung tâm tiếng Việt Tulip?
Chị Nguyễn Thị Lan Hương: Nếu mà nói về lớp tiếng Việt, có nhiều địa điểm họ cũng đã tổ chức. Ví dụ như ở phía Nam có một nhóm tiếng Việt, ở phía Bắc cũng có tổ chức lớp tiếng Việt để dạy trong chùa cho một số bà con lân cận. Và những buổi học ở trong chùa là miễn phí. Còn một số nhóm khác cũng tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em.
Riêng lớp tiếng Việt này, là do Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đứng ra gây dựng. Lúc đầu hình thành vào tháng 10/2017, Đại sứ là Ngô Thị Hòa đã tổ chức dạy cho học sinh ở trong vùng Den Haag (là vùng mà tôi sinh sống), có khoảng 10 trò. Lớp đấy được hình thành rất dễ thương ở chỗ là, tất cả phu nhân của sứ quán, chính Đại sứ hoặc con gái Đại sứ tham gia giảng dạy. Mục đích là lan tỏa tiếng Việt, giữ gìn tiếng Việt. Mọi người đều rất nhiệt tình, vì học trực tiếp, các cháu cũng ngồi cùng với cả người lớn - từ 6 tuổi đến 80-85 tuổi, vì xếp theo trình độ.
Rồi covid đến, lớp đóng cửa. Khi covid xảy ra, Đại sứ Hòa về nước, cũng dặn: bây giờ chị Hương ở đây, nên chị cố gắng giữ lớp tiếng Việt này và tìm người để giảng dạy, giữ gìn tiếng Việt.
Thực sự gọi là một lớp thì học viên nhiều hơn một lớp, lúc đó chúng tôi mới đặt tên là Câu lạc bộ tiếng Việt tại Hà Lan. Hiện tại nó thành một trung tâm tiếng Việt và tôi đặt tên là Trung tâm tiếng Việt Tulip, vì thấy nhu cầu học nhiều hơn và yêu cầu giáo viên sẽ cao hơn. Và việc kết nối cùng với giáo viên ở trong nước để giảng dạy sao cho kết quả hơn, chất lượng hơn và đúng với yêu cầu hơn chứ không phải là chỉ là dạy cho vui vẻ như trước đây.
Xin cảm ơn chị Lan Hương về cuộc trò chuyện này và chúc cho Trung tâm Tiếng Việt Tulip ngày càng phát triển.