(VOV5) - Các nhà tài trợ đều có chung đánh giá Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay và đây cũng là một trong những lý do các nhà tài trợ vẫn tiếp tục dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA.
Quang cảnh cuộc họp - Ảnh: VGP/Lê Sơn
|
Chiều 17/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi, chủ trì cuộc họp giữa Ban chỉ đạo và nhóm 6 ngân hàng tài trợ cho Việt Nam.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo và đại diện 6 nhà tài trợ gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Cuộc họp nhằm thống nhất các biện pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong bối cảnh những năm gần đây tỉ lệ giải ngân của nhóm 6 ngân hàng có xu hướng giảm. Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới, trong đó khoảng 80% là của 6 ngân hàng trên.
Các nhà tài trợ đều có chung đánh giá Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay và đây cũng là một trong những lý do các nhà tài trợ vẫn tiếp tục dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong những năm qua.