Chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam

(VOV5) Slogan  “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận” (Vietnam - timeless charm) với biểu tượng cánh hoa sen đang hé nở chính thức trở thành biểu tượng của chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2012-2015.

Chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam - ảnh 1



Biểu tượng là bông hoa sen cách điệu với năm cánh và năm màu sắc tượng trưng cho những sản phẩm du lịch chính của Việt Nam: du lịch biển đảo; du lịch sinh thái, thiên nhiên; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch khám phá, mạo hiểm. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn, sau khi công bố logo mới ngành du lịch sẽ có chương trình quảng bá hình ảnh logo tới khách quốc tế trong và ngoài nước, coi đây là trọng tâm và đột phá của năm 2012 và những năm tiếp theo.


Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Năm 2012 khó khăn, thách thức còn rất nhiều, thế giới và trong nước tiềm ẩn những yếu tố bất thường nhưng những yếu tố thuận lợi cũng đã được tạo dựng trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là việc Vịnh Hạ Long được công nhận là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới sẽ tạo ra động lực để thu hút khách du lịch đến Hạ Long. Nếu như một khách đến Hạ Long chỉ lưu trú từ một đến hai ngày thì người ta bỏ từ năm đến bảy ngày cho điểm đến khác cho nên chúng ta tận dụng cơ hội này quảng bá không chỉ cho Hạ Long mà còn cho du lịch Việt Nam. Đây là yếu tố tạo ra sự đột phá cho năm 2012. Trong một cách tiếp cận như thế thì chúng tôi phấn đấu năm 2012 sẽ đạt được khoảng 6,5 đến 6,6 triệu khách quốc tế và phục vụ khoảng 32 triệu khách du lịch nội địa, thu nhập từ du lịch đạt khoảng 150 ngàn tỷ đồng”.


2012, là năm ngành du lịch chính thức triển khai, phổ biến và thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và Triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, đồng thời xây dựng một loạt các quy hoạch phát triển vùng, đặc biệt là bảy vùng du lịch trọng điểm. Chiến lược này được xem như đòn bẩy thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp trong khu vực và trên thế giới. Mục tiêu tổng quát của chiến lược đến năm 2020, du lịch Việt Nam cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.


Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Ngành du lịch sẽ đột phá vào vấn đề tăng cường quản lý điểm đến thông qua vấn đề kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý môi trường du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến trong nước và nước ngoài và các hoạt động về nghiệp vụ thì vẫn duy trì theo kế hoạch đặt ra. Cái chúng tôi đặt ra là bài học mà ngành du lịch rút ra được từ chiến lược 10 năm trước là hiệu quả về kinh tế xã hội mới là mục tiêu cuối cùng. Doanh nghiệp chính là động lực để đảm bảo cho sự phát triển bền vững . Liên kết sẽ là một phương châm. Lấy việc xây dựng sản phẩm và quảng bá thương hiệu  là yếu tố đột phá. Và bài học rút ra từ 10 năm trước là rất sâu sắc để chúng ta bước vào phát triển du lịch vào thập kỷ tới”.


Chiến lược “Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030” có nhiều điểm mới và mang tính đột phá. Tính đột phá thể hiện trong quan điểm phát triển du lịch bền vững theo hướng có chất lượng, có thương hiệu, chuyên nghiệp, hiện đại; khai thác hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm mọi nguồn lực và lợi thế quốc gia; phát huy tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa với vai trò động lực của các doanh nghiệp… Điểm mới trong chiến lược là đã đặt nhiệm vụ phát triển thương hiệu trở thành yếu tố then chốt trong cạnh tranh quốc tế và nâng cao hiệu quả; phấn đấu hình thành và phát triển một số thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc tập trung xây dựng các sản phẩm, loại hình du lịch có hệ thống, có kiểm soát chất lượng và có tính đặc trưng, đặc sắc; phát triển mạnh du lịch biển với quy mô, tầm cỡ quốc tế; phát triển du lịch văn hóa làm nền tảng; phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm và liên kết phát triển sản phẩm vùng, khu vực.


Là trung tâm du lịch của Việt Nam, ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh luôn biết làm mới mình. Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, trọng tâm trong những năm tiếp theo của ngành du lịch thành phố tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch xanh. Ông Lã Quốc Khánh cho biết: “Ttrong năm 2012, sẽ có nhiều chương trình du lịch cho tuyến tầm trung như từ thành phố Hồ Chí Minh ra chấn biên Đồng Nai, dọc sông Đồng Nai, theo tuyến từ thành phố HCM đi Củ Chi, Bình Dương, dọc theo sông Sài Gòn. Đặc biệt tuyến du lịch dọc từ thành phố xuống Cần Giờ, chúng ta đang xây dựng phát triển các tuyến du lịch bằng du thuyền. trong đó có du thuyền khảo sát, phát hiện tham gia vào du lịch sinh thái hơn 40 nghìn ha rừng sinh thái tại Cần Giờ. Đây là loại du lịch cao cấp vừa tham gia tìm hiểu phát hiện sinh thái nhưng bảo đảm giữ gìn mỗi trường và phát triển bền vững, phải tạo ra những sản phảm cao cấp, đầu tư các bến cảng, nơi cung cấp dịch vụ cho du thuyền, giải quyết được vấn đề vệ sinh, nước thải”.


Ngành du lịch xác định thị trường theo mục đích du lịch và khả năng thanh toán, ưu tiên thu hút khách du lịch có khả năng chi trả cao, có mục đích du lịch thuần tuý, lưu trú dài ngày. Phát triển mạnh thị trường nội địa, chú trọng khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần, công vụ, mua sắm. Đối với thị trường quốc tế, tập trung thu hút phát triển mạnh thị trường khách quốc tế cao cấp: Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á và Thái Bình Dương (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Australia); tăng cường khai thác thị trường khách cao cấp đến từ Tây Âu (Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha, Scandinavia), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và Đông Âu (Nga, Ucraina); mở rộng thị trường mới từ Trung Đông. Mục tiêu năm 2020, Việt Nam đón 10,5 triệu khách du lịch quốc tế và 48 triệu lượt khách du lịch nội địa. Đạt tổng doanh thu từ khách du lịch khoảng 19 tỷ USD, đóng góp 7% GDP cả nước và tạo ra 3 triệu việc làm. Đến năm 2030 thì tổng thu từ khách du lịch tăng gấp hai lần năm 2020./.

                                                                                                                                                                                                    Lan Anh

Phản hồi

Các tin/bài khác