Có cơ sở để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025

(VOV5) - Việt Nam cần tập trung thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư, phát triển các ngành lĩnh vực mới nổi công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. 

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12, diễn ra chiều 8/1 ở Hà Nội, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về kế hoạch tăng trưởng năm 2025 của Chính phủ và các triển vọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Có cơ sở để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 - ảnh 1Bộ trưởng Trần Văn Sơn chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 8/1. Ảnh: VGP

Đề cập đến những cơ sở để nền kinh tế có thể đạt được mục tiêu 8% trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho rằng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế năm 2025 được thừa hưởng, tiếp nối đà tăng trưởng cao của năm 2024.

Trong đó, các cơ quan Nhà nước được tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả… Đây là một trong những động lực sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế sẽ đạt được nhiều kết quả cao.

Cơ sở thứ hai, đó là thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng với đó, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu.

Có cơ sở để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 - ảnh 2Thứ trưởng Bộ Khoa học và đầu tư Nguyễn Đức Tâm phân tích các động lực tăng trưởng trong năm 2025. Ảnh: VGP

Thứ Trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết: “Chúng tôi xác định năm 2025 phải thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ có Việt Nam triển khai thực hiện mà nhiều nước trên thế giới triển khai thực hiện. Trong đó liên quan đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, năm 2025, phấn đấu thu hút 120 - 130 triệu lượt khách trong nước và 20 triệu lượt khách quốc tế.”

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho rằng cần tập trung thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư, phát triển các ngành lĩnh vực mới nổi công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp để huy động nguồn lực, như: nguồn lực xã hội, doanh nghiệp Nhà nước và phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, khơi thông hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác