Cơ hội cho kinh tế Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do

(VOV5)- Năm 2015, Việt Nam ký 2 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt là hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương( TPP). Đây có thể coi là nét nổi bật nhất trong hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam năm 2015. Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này sẽ tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, mở ra những cánh cửa mới cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm tới đây.

Cơ hội cho kinh tế Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do - ảnh 1
Việt Nam - EU tuyên bố kết thúc cơ bản đàm phán FTA hôm 4/8/2015. - Ảnh: baochinhphu.vn

Những Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết hay hoàn tất quá trình đàm phán trong năm 2015 đều là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. So với FTA truyền thống tập trung vào thương mại hàng hóa, cam kết của FTA thế hệ mới phủ rộng không chỉ ở thương mại hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư mà bao trùm cả các vấn đề mới như doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, hải quan, phát triển bền vững và các vấn đề phi thương mại.

Nội dung chính của các Hiệp định thương mại tự do được Việt Nam ký kết và hoàn tất đàm phán là xóa bỏ thuế quan, tự do hóa mậu dịch, nhờ đó mở ra nhiều cơ hội cho các nước tham gia. Chỉ riêng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau khi có hiệu lực (năm 2018), hơn 99% số dòng thuế của Việt Nam vào thị trường này là 0%. EVFTA cũng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng thêm 0,5% GDP và xuất khẩu tăng từ 4 - 6% mỗi năm. Như vậy, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu sang EU như hiện nay thì tới năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU nhờ có FTA sẽ tăng thêm 16 tỷ USD. Hiệp định FTA với Hàn Quốc sẽ mở cánh cửa thị trường nông, thủy sản vốn được bảo hộ chặt chẽ cho Việt Nam. Trong khi đó, dự báo FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ đưa kim ngạch thương mại tăng bình quân từ 18 đến 20%/năm, từ mức khoảng 4 tỷ USD năm ngoái lên 10 - 12 tỷ USD sau 5 năm nữa. Riêng TPP, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, Hiệp định này sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội lớn nhất mà các FTA thế hệ mới này mang lại là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại trong bối cảnh sức mua của nền kinh tế còn yếu và năng lực doanh nghiệp nội địa còn mỏng.  Nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển cho biết: “Chúng ta đang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu dệt may cỡ chừng khoảng 20 tỷ USD thì khi tham gia các FTA chúng ta có thể vươn lên 40 tỷ USD. 40 tỷ USD đó sẽ tạo ra rất nhiều việc làm. Hoặc là nông sản cũng có triển vọng lớn khi xuất, nhất là xuất vào các nước thành viên của TPP vì chúng ta không phải cạnh tranh với những nước xuất khẩu nông sản lớn như Thái Lan, Ấn Độ.”

Tham gia các FTA thế hệ mới, cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng là rất rõ ràng, nhất là từ các tập đoàn lớn. Gần đây, nhiều tập đoàn của nước ngoài đã đầu tư dự án mới hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong các lĩnh vực như sản xuất sợi, dệt may, giày da, chế biến gỗ...để đón đầu TPP cũng như EVFTA. Ngoài ra, nhiều tập đoàn kinh tế thế giới lớn như Samsung, Intel, Microsoft, LG... đầu tư mạnh vào Việt Nam để sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như bộ vi xử lý máy tính, điện thoại thông minh. Đây cũng là cơ hội lớn để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong 5-10 năm tới.

Việc có quan hệ thương mại tự do với Liên minh châu Âu, liên minh kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc cũng như là với 11 nước thành viên TPP còn giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho rằng: “Nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết, mở ra cơ hội cho nền kinh tế đất nước phát triển. Đặc biệt với việc gia nhập vào TPP, giúp chúng ta tìm được một đối trọng đủ nặng để tái cân bằng cho quan hệ thương mại quốc tế. Giảm sự lệ thuộc vào thị trường Đông Á, Trung Quốc và ASEAN, nơi chiếm tới 60% kim ngạch xuất nhập khẩu và chiếm 75% kim ngạch nhập khẩu của đất nước.”

Điều quan trọng hơn khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là cơ hội để Việt Nam hình thành một cơ cấu kinh tế toàn diện hơn. Ngoài ra, các yêu cầu mở cửa thị trường của các Hiệp định thương mại thường gây ra áp lực cải cách toàn diện. Vì vậy, với các FTA thế hệ mới này, Việt Nam có thể tiến thêm một bước mới trên con đường cải cách thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược mà Việt Nam đã xác định, một cách sâu rộng và toàn diện. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Những lợi thế, lợi ích mà Hiệp định  thương mại Việt Nam ký kết mang lại là sẽ góp phần rất quan trọng cho Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giúp Việt Nam ngày càng có vị thế hết sức quan trọng trong một sân chơi rộng lớn về thương mại và đầu tư.”

Có thể nói chưa bao giờ Việt Nam lại hội nhập ở mức sâu rộng như thời điểm hiện nay. Tiến trình này đang tạo ra thời cơ rất lớn cho Việt Nam nói chung và cho nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên đi kèm với thời cơ, thuận lợi là những thách thức, đòi hỏi cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị, thay đổi để hoàn thiện năng lực cạnh tranh, tận dụng tốt cơ hội để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Phản hồi

Các tin/bài khác