Duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong xu hướng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
(VOV5) - Hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.
Sáng 18/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam”.
Theo nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế, gọi tắt là Thỏa thuận Thuế tối thiểu toàn cầu, thì Trụ cột 2 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia, nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: "Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam."
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VOV |
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần đưa ra những quyết đoán trong quá trình ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu; xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đề xuất những giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.