(VOV5) - Nhiều chuyên gia hối thúc chính phủ các cường quốc và thể chế đa phương tăng cường nỗ lực tìm giải pháp hạ nhiệt hàng loạt điểm nóng của thế giới.
Do bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu có nhiều biến động phức tạp, khó lường, đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới đối mặt nhiều rủi ro và thách thức nghiêm trọng, khiến nguy cơ suy thoái gia tăng. Để đối phó, các nền kinh tế lớn và nhất là các định chế tài chính-kinh tế toàn cầu, đứng đầu là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp phù hợp.
Ngân hàng Thế giới (WB) - Ảnh minh họa: Business Standard |
Đánh giá mới nhất của một số định chế tài chính lớn cho thấy kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu tác động bất lợi từ nhiều yếu tố, đứng đầu là xung đột Nga-Ukraine; căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, tại Trung Đông và trong quan hệ Mỹ-Trung; quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC+; nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát…
Những dấu hiệu đáng lo ngại
Tại Hội nghị mùa Xuân của WB và IMF đang diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ), IMF đã công bố báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới, trong đó dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,8% trong năm nay và 3% vào năm sau, cùng giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1. Việc giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới phản ánh tình trạng yếu đi của một số nền kinh tế lớn, cũng như khả năng các ngân hàng trung ương các nước tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát gia tăng.
Chưa hết, IMF còn cho biết nợ công toàn cầu đang cao hơn và tăng nhanh hơn dự báo so với giai đoạn trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chủ yếu do tăng nợ công ở Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, nợ công toàn cầu đã tăng gần 100% GDP trong năm 2020, trước khi giảm mạnh vào năm ngoái. Dù vậy, tỷ lệ nợ công/GDP vẫn ở mức cao hơn trước đại dịch. Đáng lo ngại là: thay vì về mức bình thường, tỷ lệ này sẽ bắt đầu tăng trở lại vào năm nay và lên mức 99,6% vào năm 2028.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho biết tình trạng vỡ nợ của các quốc gia tăng đáng kể những năm qua. Cụ thể, từ năm 2020 đến quý I năm nay xảy ra 14 vụ vỡ nợ liên quan đến 9 quốc gia bao gồm Belarus, Lebanon, Ghana, Sri Lanka, Zambia, Argentina, Ecuador, Suriname và Ukraine. Trước đó, giai đoạn từ 2000-2019 chỉ xảy ra 19 vụ vỡ nợ liên quan đến 13 quốc gia. Báo cáo của Fitch Ratings nhấn mạnh môi trường tài chính và kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các quốc gia bị xếp hạng tín nhiệm thấp. Nhiều quốc gia có chủ quyền bị xếp hạng tín nhiệm mức CCC+, đồng nghĩa nguy cơ vỡ nợ cao.
Còn tại nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 12/4 cho biết thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang trong nửa đầu tài khóa 2023 đã đạt mức 1.100 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do chi tiêu cao hơn cho giáo dục, phúc lợi y tế và thanh toán lãi cho các khoản nợ. Bên cạnh đó, mặc dù lạm phát có xu hướng hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu của Cục dự trữ Liên bang (FED), làm gia tăng khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách lần tới. Thách thức với nền kinh tế Mỹ còn thể hiện qua chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ tại nước này tiếp tục sụt giảm trong tháng 3 vừa qua, khi giới doanh nghiệp lo ngại về lạm phát kỷ lục và lãi suất cao. Cụ thể, chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ tháng 3 là 90,1, giảm nhẹ so với mức 90,9 của tháng 2 và tiếp tục ở dưới ngưỡng "khỏe mạnh" (100 điểm). Đây cũng là tháng thứ 15 liên tiếp Chỉ số lạc quan doanh nghiệp nhỏ của Liên đoàn Doanh nghiệp độc lập quốc gia (NFIB) đứng dưới mức 98 - chỉ số trung bình ghi nhận trong gần 50 năm qua.
Tăng cường nỗ lực ứng phó
Các định chế cùng giới chuyên gia tài chính-kinh tế quốc tế có chung nhận định rằng thách thức và rủi ro với kinh tế toàn cầu là nghiêm trọng và đáng lo ngại. Nếu không có giải pháp ổn thỏa, đà phục hồi mong manh vừa hình thành có thể biến mất và nhiều nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái. Trong đó, vấn đề kiểm soát lạm phát cần được ưu tiên thúc đẩy.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas (phải) - Ảnh: EPA |
Tại Hội nghị mùa Xuân của WB và IMF, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng lạm phát vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất và việc ổn định giá cần được ưu tiên giải quyết hơn những rủi ro ổn định tài chính đối với chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Chuyên gia này nhấn mạnh chỉ khi xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính rất nghiêm trọng thì mới nên đảo ngược ưu tiên này. Vì vậy, IMF kêu gọi các nước thành viên tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với lạm phát cao kéo dài.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị các nền kinh tế xây dựng thêm phương án đối phó rủi ro cho kịch bản bất ổn địa chính trị lan rộng và kéo dài, kéo theo đó là giá năng lượng và lương thực tăng cao trở lại. Tuy nhiên, về lâu dài, các chính phủ cần kiên định theo đuổi mục tiêu và giải pháp tăng trưởng bền vững để hạn chế và tiến tới “miễn nhiễm” với các tác động ngoại cảnh.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia hối thúc chính phủ các cường quốc và thể chế đa phương, đứng đầu là Liên hợp quốc với nòng cốt là Hội đồng bảo an, tăng cường nỗ lực tìm giải pháp hạ nhiệt hàng loạt điểm nóng của thế giới như xung đột tại Ukraine, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bất ổn an ninh tại Trung Đông…, đồng thời thúc đẩy các tiến trình hòa giải liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và thực hiện thịnh vượng bao trùm trên phạm vi toàn cầu.