Gành Hào phát triển kinh tế biển

(VOV5)- Với tình yêu quê hương, gắn bó với vùng đất mới và bằng sức lao động cần cù, người dân nơi đây đã biến làng chài nghèo ven biển, thành một thương cảng cá lớn.

Gành Hào phát triển kinh tế biển - ảnh 1
Gành Hào phát triển kinh tế biển. Ảnh: TTXVN

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Thị trấn Gành Hào, thủ phủ của huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, được coi là vùng đất“ đất lành chim đậu”. Với lợi thế là vùng đất cửa sông, được thiên nhiên ưu đãi, có biển nhiều tôm lắm cá, Gành Hào thu hút người dân khắp nơi đổ về đây lập nghiệp. Với tình yêu quê hương, gắn bó với vùng đất mới và bằng sức lao động cần cù, người dân nơi đây đã biến làng chài nghèo ven biển, thành một thương cảng cá lớn. 


Trước đây, mỗi lần nhắc tới Gành Hào, người ta nhớ tới bài hát: “ Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang” của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển. Qua bài hát, người nghe hình dung về vùng đất tươi đẹp sóng biển rì rào, nơi có vạt rừng đước, rừng tràm trải dài xanh ngút mắt. Thế nhưng trong lời ca, nét nhạc vẫn có gì đó có cảm giác giữa sông nước mênh mông, cuộc sống người dân ở miệt biển còn nhiều khó khăn. Nhưng giờ đây, những ai có dịp đến với thị trấn Gành Hào sẽ thấy khác xa với những gì đã nghĩ. Gành Hào không còn làng chài nghèo xa xôi mà trở thành thị trấn xinh đẹp trù phú, nằm bên bờ biển. Người dân ở đây sống hiền hoà, đông vui trong những dãy phố với những ngôi nhà mơi xây hiện đại như ở thành phố lớn. Còn khu vực ven biển vẫn còn đó những vạt tràm, vạt đước nhưng bên cạnh là những ao vuông nuôi tôm lào xào tiếng guồng máy quạt nước. Đặc biệt, cảng cá Gành Hào luôn nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, tấp nập ghe, tàu, đông vui người mua, kẻ bán. Nhớ lại những ngày đầu đến sống ở Gành Hào, ông Hoàng Văn Kỳ kể:“  Tôi xuống đây vào năm 1972  thì ở đây vẫn là rừng cây đước, cây mắm còn dày kín, cá tôm ở vùng biển, vùng sông Gành Hào này nhiều vô kể. Phương tiện đánh bắt cá hết sức đơn sơ nhưng vẫn đánh được nhiều tôm cá. Rồi người ta đồn nhau người Bắc vào, người Nam ra sinh sống. Tôi thấy nơi đây dễ sống nên về đây lập nghiệp. 


Với bờ biển dài 23km có hai cửa biển, Gành Hào còn có gần 4.000 ha đất bãi bồi ven biển và hơn 9.600km2 mặt nước biển. Với những lợi thế ấy, những năm gần đây, thị trấn Gành Hào nói riêng và huyện Đông Hải nói chung đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biển, tạo điều kiện cho người dân vươn khơi xa bám biển, biến địa phương trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Những năm gần đây, huyện Đông Hải đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở sửa chữa tàu thuyền, thành lập đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để trung chuyển khai thác xa bờ, hình thành các tổ, đội sản xuất trên biển. Đội tàu, thuyền đánh bắt cá ở Gành Hào đã có gần 700 chiếc, trong đó có gần 300 chiếc công suất lớn, đủ khả năng đánh bắt xa bờ. Hàng năm, ngư dân làng biển Gành Hào khai thác hơn 50.000 tấn hải sản các loại, trong đó chủ yếu là tôm cung cấp cho thị trường. Năm 2009, cảng cá, bến tàu Gành Hào cũng đã được đầu tư xây dựng và đang hoạt động hiệu quả. Ông Mai Hoàng Nên, Phó Giám đốc cảng cá Gành Hào, cho biết: “ Tới đây, Chính phủ cũng như chính quyền tỉnh có kế hoạch mở rộng cảng. Tôi nghĩ nếu cảng được mở rộng phát tiển thì các tàu của các tỉnh bạn sẽ tập trung về đây nhiều hơn  và ngành thuỷ sản ở đây sẽ phát triển hơn” 


Ngoài việc tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào, địa phương cũng đã và đang chủ động vận dụng các cơ chế, chính sách tạo quỹ đất để mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất muối chất lượng cao; hoàn thành hạ tầng vùng nuôi tôm công xây dựng cụm kinh tế kỹ thuật Gành Hào, khu đô thị mới Gành Hào, dự án Điện gió theo tuyến đê ven biển…Hướng đi, cách làm ăn đúng này đang giúp người dân trong huyện ngày càng khá, giàu.

Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết: Nhờ khai thác tốt tiềm năng từ biển nên kinh tế của huyện Đông Hải nói chung và Gành Hào nói riêng tiếp tục ổn định và phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 16%/năm. Hiện người dân nơi đây có thu nhập bình quân hơn 36 triệu đồng/ năm, tăng hơn hai lần so với cách đây 5 năm. Đời sống nhân dân đã ổn định nên giờ đây Gành Hào vui lắm, chỉ có người tìm đến đây lập nghiệp, chứ không có chuyện dân nơi này vì nghèo bỏ xứ ra đi. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác