Hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh

(VOV5) - Trước tình hình nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư pghát triển sản xuất kinh doanh, kể từ năm 2012  Ủy  ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng  và doanh nghiệp . Qua 3 năm thực hiện, chương  trình này đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là  tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi xuất ưu đãi,  ổn định  và phát triển sản xuất, kinh doanh.  Chương trình đang được Ngân hàng Nhà nước Việt nam  nhân rộng trong cả nước.



Hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh - ảnh 1
TP.HCM nghiên cứu thành lập khu kinh tế đặc biệt của TP trên địa bàn quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ.

Nghe chi tiết tại đây:



Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ba Huân, chuyên sản xuất các loại trứng gia cầm.  Tháng 7 năm 2012, công ty muốn mở rộng trang trại chăn nuôi gia cầm. Nhưng vay vốn với lãi suất từ 15 đến 18%/năm thì doanh nghiệp không chịu nổi.  Trước khó khăn này, Chương trình Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp đã kết nối cho  công ty vay được hơn 7 tỷ đồng  với lãi suất 7%/ năm. Bằng nguồn vốn này, Công ty  đầu tư trang trại gia cầm công nghệ cao ở Bình Dương có qui mô 18 ha  với tổng đàn gà 700 ngàn con.   Những năm  tiếp theo,  mỗi năm công ty tiếp tục được các ngân hàng Sacombank và   BIDV cho vay hàng chục tỷ đồng  với lãi suất ưu đãi  để xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm ở Long An. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ba Huân cho biết:" Tôi cho rằng chương trình rất tốt. Chúng tôi được ngân hàng  hỗ trợ  nguồn vốn, ổn định lãi suất, chúng tôi  mở rộng sản xuất, kinh doanh như đầu tư trang trại, xây dựng nhà máy chế biến từ đó doanh số  chúng tôi tăng lên".

Không chỉ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ba Huân, mà qua 3 năm thực hiện chương trình này, thành phố đã có gần 6 ngàn 300 doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 145 ngàn tỷ đồng để vượt qua giai đoạn khó khăn, từ đó ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.  Riêng từ đầu năm đến nay, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp  vay hơn 77 ngàn tỷ đồng,  với lãi suất ưu đã từ 6% đến 9% một năm. Điểm đáng nói của chương trình này là  đã hướng dòng  vốn đi đúng đối tượng, nhiều  doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi và sản xuất, kinh doanh hiệu quả.  Hiện thành phố đã tổ chức  9 đầu mối để các doanh nghiệp liên lệ  vay vốn.  Đó là Sở Công thương thành phố, Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề v.v.....Thành phố cũng giao trách nhiệm cho ủy ban các quận, huyện không để các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng không tiếp cận được vốn hoặc phải vay với lãi suất quá cao. Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố  Hồ Chí Minh cũng thông báo số điện thoại nóng để các doanh nghiệp phản ánh khi vay vốn bị ngân hàng nhũng nhiễu, làm khó. Qua đường dây nóng này, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố  Hồ Chí Minh  đã xử lý cho 30 doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi. Hiện nay, Chương trình Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp của thành phố đã đến tất cả 24 quận, huyện và có 22 ngân hàng tham gia chương trình.  Đặc biệt,  năm nay chương trình còn mở rộng thêm đối tượng cho vay là nông dân. Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng  Agribank Chi nhánh Củ Chi cho biết: “Thời gian tới, ngân hàng Agribank Củ Chi chúng tôi  tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư phát triển nông nghiệp , nông dân. Chúng tôi tiếp tục mở rộng đối tượng, ngoài đối tượng nông dân, chúng tôi mở rộng đối tượng cho vay là trang trai, hợp tác xã sản xuất theo công nghệ mới xanh, sạch".

Bên cạnh đó, Chương trình  Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp còn tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc cho  các doanh nghiệp do không đủ điều kiện về  tài sản thế chấp, cho vay trung và dài hạn để doanh nghiệp có thể mở rộng đầu tư dài hạn.  Ông  Nguyễn Hoàng Minh,  Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam  chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Đối với các doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt nhưng không đủ điều kiện tài sản thế chấp thì chúng tôi sẽ áp dụng cho vay tín chấp. THứ hai là chúng tôi áp dụng cho vay bằng dòng tiền bán hàng. Còn về ổn định lãi suất cho vay trung và dài hạn, chúng tôi sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại yêu cầu tăng cường huy động nguồn vốn trung dài hạn để ổn định lãi suất cho vay dài hạn”.


Từ kết quả đạt được cho thấy, những chủ trương, chính sách phù hợp với  thực tiễn cuộc sống  sẽ được cộng đồng doanh nghiệp  tích cực hưởng ứng và  phát huy tác dụng.  Doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, còn ngân hàng thì tăng trưởng tín dụng tốt, góp phần tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác