Với thế mạnh là các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp địa phương, cùng những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, du lịch Hòa Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, có trên 100 hộ đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Trước đây, dân bản chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa, làm nương, nhưng hiện nay, Bản Lác đã là một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Chị Vì Thị Mai, người làm du lịch đầu tiên ở Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, chia sẻ được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, cùng tư duy làm kinh tế dịch vụ du lịch, đồng bào Thái nơi đây đã xây dựng Bản Lác thành điểm du lịch...
Du khách đến với Bản Lác sẽ được thưởng các món ăn ngon đặc trưng địa phương, như: thịt trâu sấy, lợn bản, xôi nếp, cơn lam, rượu cần, những làn điệu ca vũ đặc trưng của đồng bào người Thái: "Du khách đến Bản Lác thưởng muốn tìm hiểu về văn hóa, tìm hiểu những món ăn, ẩm thực ở đây. Ở đây có cơm lam, thịt gác bếp do đồng bào tự tay làm bán cho khách."
Một góc hồ Hòa Bình. Ảnh: VOV |
Trong khi đó, tại hồ Thủy điện Hòa Bình, nằm trong Khu Du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, thuộc địa bàn thành phố Hòa Bình và 4 huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, có gần 5.000 lồng nuôi cá, của các hộ gia đình và doanh nghiệp với sản lượng trung bình hàng năm đạt gần 10.000 tấn. Mỗi năm, khu vực này đón hàng nghìn lượt du khách đến thăm quan, trải nghiệm...
Khu Du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng tổng thể phát triển du lịch cho khu vực. Hiện tỉnh Hòa Bình đang ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá lồng, xây dựng mô hình nuôi cá công nghệ cao thân thiện với môi trường gắn với du lịch khu vực hồ Hòa Bình.
Ông Lương Thanh Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, cho biết: "UBND tỉnh Hòa Bình giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chi cục Thủy sản xây dựng đề án phát triển nuôi cá kết hợp du lịch. Trong đề án sẽ nuôi những giống cá thế mạnh như trắm đen, trắng và cá bản địa như lăng, chiên... Chúng tôi nuôi sẽ kết hợp với du lịch trải nghiệm, người dân đến xem, chăm sóc và thưởng thức cá nuôi ở lòng hồ."
Hiện tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được gần 160 sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, du lịch theo tiêu chuẩn của Chương trình mỗi xã/phường 1 sản phẩm nông nghiệp (OCOP), trong đó có 22 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Ông Hoàng Văn Tuân, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hòa Bình, cho biết:"Vừa qua, chúng tôi cũng hỗ trợ được 7 sản phẩm OCOP du lịch, các điểm du lịch đặc trưng của tỉnh Hòa Bình để thu hút du khách. Chúng tôi cũng hỗ trợ bằng nguồn lực từ trung ương, địa phương xây dựng những sản phẩm OCOP, bộ nhận diện, chỉ dẫn địa lý, tập huấn nâng cao cho đội ngũ quản lý, lễ tân, đào tạo ngoại ngữ cũng nhằm hỗ trợ phục vụ đề án phát triển du lịch của tỉnh."
Du lịch nông nghiệp tại Hòa Bình đã lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, không chỉ góp phần đa dạng hóa hoạt động thương mại, giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Chương trình OCOP, Chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với phát triển đa dạng sản phẩm.
Hợp tác xã Passion Hòa Bình xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp nuôi cá lồng. Ảnh: VOV |
Phát huy thế mạnh của địa phương là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao, văn hóa tâm linh, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng nâng cao chất lượng loại hình du lịch trên lòng hồ thủy điện, đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông.
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Hòa Bình, cho biết: Hàng năm tỉnh đều tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch nhằm giới thiệu những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, các điểm du lịch và bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây còn là cơ hội để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP đặc trưng, qua đó, tôn vinh, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch của tỉnh Hòa Bình: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, văn hóa, thể thao, mở rộng các loại hình môn thể thao truyền thống của đồng bảo thiểu số cũng như tổ chức các Giải đua xe đạp, giải golf mang tầm quốc tế khu vực, phát triển thêm môn dù lượn để tăng sức cạnh tranh sản phẩm du lịch của tỉnh Hòa Bình với các tỉnh khác."
Nhờ định hướng và làm tốt phát triển du lịch theo hướng bền vững, trong năm 2024, tỉnh Hòa Bình đón khoảng 3.000.000 lượt khách du lịch, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện việc phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Hoà Bình đặt ra trong Chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Tỉnh phấn đấu đến hết năm nay, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh