Hoạch định chiến lược dài hạn cho sản xuất lúa gạo xuất khẩu

(VOV5) - Nông nghiệp đang được coi là nền tảng phát triển quan trọng của nền kinh tế Việt nam, nhất là trong giai đoạn kinh tế thế giới cũng như ở Việt nam còn khó khăn do khủng hoảng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất  nhằm nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, nhất là đối với sản xuất lúa gạo xuất khẩu là vấn đề đang được Việt nam quan tâm. 

Hoạch định chiến lược dài hạn cho sản xuất lúa gạo xuất khẩu  - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Vụ lúa đông xuân 2013-2014, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ( vựa lúa lớn nhất Việt nam) lại trúng mùa lớn. Tại nhiều địa phương, nông dân đang thu hoạch rộ lúa đông xuân với năng suất lúa bình quân đạt gần 7 tấn/ha, có nơi đạt 10 tấn/ha. Thế nhưng, cùng với niềm vui trúng mùa, thì điệp khúc nỗi lo mất giá lại ập đến. Vào thời điểm thu hoạch rộ thì giá lúa giảm đến mức người dân không còn lợi nhuận sau mấy tháng ròng vất vả với cây lúa. Ngày 15/3, Chính phủ đã triển khai chương trình thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ để chia sẻ khó khăn với nông dân và giúp giữ giá lúa ổn định, song việc mua tạm trữ chỉ có thể ngăn giá lúa giảm sâu, chứ không làm cho giá lúa tăng thêm, trong khi thị trường xuất khẩu bất ổn khiến hạt gạo Việt nam bị cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, vào thời điểm này các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch khoảng 700 ngàn ha lúa đông xuân và dự kiến đến tháng 4 sẽ thu hoạch dứt điểm trên 1 triệu 600 ngàn ha. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban thường trực, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết:
“Sản xuất nhiều, thu hoạch rộ lại tuột giá. Nông dân là người khó khăn nhất. Đây là vấn đề lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, phải có sự nghiên cứu kỹ. Cái chính là phải có biện pháp chủ động trong tạm trữ, thu mua để giá ổn định từ đầu vụ đến cuối vụ. Đây mới là quản lý tốt của Nhà nước”.

Bên cạnh việc nâng cao giá trị, giải quyết đầu ra cho cây lúa, đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân như đang tiến hành, về mặt lâu dài Việt Nam phải chủ động có chiến lược phát triển nông nghiệp một cách bền vững và hiệu quả. Chương trình tổng thể tái cấu trúc nền nông nghiệp với chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu được coi là hướng đi đứng và dài hạn để nền nông nghiệp Việt nam phát triển một cách ổn định, vững chắc.

Thực tế cho thấy, cánh đồng mẫu lớn, một mô hình sản xuất theo hướng tập trung với sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp đang dần được khẳng định kết quả về mặt kinh tế và xã hội. Việc tham gia cánh đồng mẫu lớn có thể hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị lúa gạo trong khi lợi nhuận thu được vẫn đảm bảo. Với việc triển khai cánh đồng mẫu lớn ở nhiều địa phương thời gian qua cho thấy, khi tham gia mô hình này, đời sống người trồng lúa có những thay đổi rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Tắc ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cho biết: 
“Mô hình liên kết sản xuất của cánh đồng mẫu là mô hình tôi tâm đắc, nhiều nông dân khác cũng phấn khởi lắm, qua đó hạt gạo có giá trị nhiều hơn. Nông dân được hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ việc tạo thương hiệu hạt gạo xuất khẩu”.

Việc xây dựng mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp với sự kết hợp giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cũng diễn ra ngày càng chặt chẽ hơn. Thông qua các hợp đồng, doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất lúa. Đến thời điểm thu hoạch, doanh nghiệp cam kết mua lúa hàng hóa của nông dân với giá cả phù hợp. So với những thửa ruộng không nằm trong cánh đồng mẫu lớn, những thửa ruộng trong mô hình này cho lợi nhuận cao hơn. Anh Nguyễn Văn Cường, nông dân sản xuất lúa nằm trong cánh đồng mẫu Vĩnh Bình do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đầu tư, cho biết: 
“Từ điệp khúc trúng mùa rớt giá thì hiện nay làm với công ty,  người làm ra hạt lúa đã có quyền bán cho ai. Ví dụ như hiện nay khi thu hoạch thấy giá hợp lý thì bán, còn không thì lưu lại tại kho, sấy xong để đó chờ đợi giá".

Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo và một số mặt hàng nông sản khác. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xem xét lại những yếu tố giúp nông nghiệp tăng trưởng như : tài nguyên, đất đai, nguồn nhân công - bởi những yếu tố này không còn tác dụng quyết định. Thay vào đó, việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi và “ luồng gió” khoa học công nghệ mới chính là yếu tố then chốt để giúp nông nghiệp khẳng định giá trị của mình./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác