Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp sinh thái

(VOV5) - Xu hướng phát triển xanh đang được dẫn dắt, định hướng từ các cam kết quốc tế mới, đặc biệt là kể từ sau cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về bằng “0” vào năm 2050, tại Hội nghị COP26

Cần hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái, đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2024 với chủ đề Xanh hóa đón dòng đầu tư mới, diễn ra ở TP.HCM chiều 30/7. Diễn đàn cho Báo Đầu tư tổ chức.

Công nghiệp xanh là xu hướng

Tại diễn đàn, nhiều diễn giả cho rằng, sau dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà đầu tư ở Mỹ và Châu Âu đã thiết thiếp lập lại chuỗi cung ứng.

Việt Nam là một trong những quốc gia ở châu Á được nhà đầu tư quan tâm, bởi có chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng ở mức cao.

Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp sinh thái - ảnh 1Các diễn giả tham gia diễn đàn.

Theo ông Edwin Chee - Giám đốc điều hành SLP Việt Nam, trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội. Với vị trí chiến lược cùng nhiều hiệp định thương mại quốc tế và nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn để đầu tư.

Tuy nhiên, thời gian gần đây giá bất động sản công nghiệp tăng cao, từ 5-10%/năm đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Đồng thời, xu hướng đầu tư của nhiều doanh nghiệp đang hướng tới phát triển xanh nên buộc các khu công nghiệp phải đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu này.

Xu hướng này đang được dẫn dắt, định hướng từ các cam kết quốc tế mới, đặc biệt là kể từ sau cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng về bằng “0” vào năm 2050, tại Hội nghị COP26.

Ông Nguyễn Văn Nhân -Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Amata TP. Hạ Long ở tỉnh Quảng Ninh cho biết, doanh nghiệp này khi đầu tư đã có chính sách phát triển xanh để đón đầu yêu cầu của nhà đầu tư. Ngay từ đầu doanh nghiệp đã xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng phát triển xanh và có giải pháp cộng sinh công nghiệp để giảm thải, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo.

Ông Nhân cho biết, khi doanh nghiệp đến đầu tư vào khu công nghiệp, ngoài việc họ quan tâm có hạ tầng hiện đại, đồng bộ, thì cần phải đáp ứng đầy đủ nguồn năng lượng điện, việc xử lý nước thải, rác thải và tỷ lệ năng lượng sạch cung cấp cho họ. Doanh nghiệp cũng quan tâm khu công nghiệp có đầu tư năng lượng tái tạo hay không như điện áp mái, điện gió...

Vướng cơ chế, chính sách

Ở khu vực phía Nam hiện nay, nhiều khu công nghiệp đang hướng tới chuyển đổi dần sang khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái, trong đó có Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3. Khu công nghiệp sinh thái này ở tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đang thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn lấp đầy hơn 85% diện tích.

Ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho biết, khi xây dựng khu công nghiệp sinh thái chi phí sẽ tăng hơn, tuy nhiên sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư chất lượng: “Mình phải cân đối giữa cái được và mất (chi phí đầu tư nhiều-PV). Cái được là các nhà đầu tư rất yên tâm khi mình đã đạt được chứng nhận xanh nhất là những  nhà là đầu tư lớn tin tưởng vào đầu tư  thì so với chi phí mình bỏ ra thì được rất là nhiều so với chi phí mình bỏ ra.”

Hoàn thiện khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp sinh thái - ảnh 2Đại biểu tham gia diễn đàn.

Theo quy hoạch đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên hiện nay, hạn chế trong phát triển khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái là quy định pháp luật còn khá đơn giản và chưa hoàn thiện. Song song đó, là chưa có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển các loại hình khu công nghiệp này.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền ở tỉnh Hải Phòng, cho rằng, việc chuyển đổi từ khu công nghiệp tổng hợp sang khu công nghiệp sinh thái đang bị vướng bởi Luật quy hoạch: “Luật môi trường, trong luật này có  điều 142  nói về kinh tế tuần hoàn, nhưng trong điều này chỉ có mấy dòng về kinh tế tuần hoàn. Còn kinh tế tuần hoàn để làm được nó liên quan đến rất nhiều luật. Chính vì vậy, Chính phủ cần có  1 Nghị định hoặc có Luật về phát triển công nghiệp hoặc Luật về kinh tế tuần hoàn để chúng ta có thể hoàn thiện khu pháp lý cho các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác