(VOV5) - Kinh tế Việt Nam khởi động lại sau dịch COVID - 19 nhưng sẽ còn nhiều khó khăn do kinh tế thế giới chưa phục hồi.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, dự báo tình hình này sẽ được cải thiện trong quý III khi các hoạt động của nền kinh tế dần được nối lại.
Ảnh minh họa
|
Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng việc làm trong quý III và những tháng tiếp theo là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2020, việc giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh. Song song với đó là cơ hội Việt Nam có thể đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại phiên họp giữa Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định rằng: "Thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, khả quan, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu vui. Dự báo thị trường việc làm quý III chắc chắn sẽ tốt hơn. Dự kiến số lao động có việc làm trong quý III sẽ đạt 55,4 triệu người, tương đương với đầu quý I/2020. Tín hiệu này hoàn toàn có cơ sở thực tiễn. Chúng tôi đã có buổi làm việc với các tập đoàn. Số lao động quay lại thị trường sẽ ở mức 80 - 90 nghìn người/tháng. Cuối tháng 7, đầu tháng 8 chắc chắn sẽ mở lại 1 số thị trường xuất khẩu lao động( tăng thêm 10 - 15% lực lượng lao động có việc làm trong quý). Một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như thương mại điện tử, lắp ráp linh kiện điện tử, một số công ty may mặc có nhu cầu tuyển dụng lớn".
Trong khi đợi thị trường việc làm hồi phục, để giảm bớt khó khăn cho người lao động, ngoài việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị: "Đề nghị chính phủ điều chỉnh gói 16 nghìn tỷ (khoảng 690 triệu USD) cho doanh nghiệp vay để trả lương, tức là bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay, đồng thời kéo dài thời hạn cho doanh nghiệp vay đến hết tháng 12/2020".
Kinh tế Việt Nam khởi động lại sau dịch COVID - 19 nhưng sẽ còn nhiều khó khăn do kinh tế thế giới chưa phục hồi. Tuy nhiên với việc Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất, khai thác thị trường nội địa cùng sự linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp, thị trường lao động sẽ phục hồi nhanh hơn.