Khởi sắc xuất khẩu Việt nam 6 tháng đầu năm 2014

(VOV5) - 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 71 tỷ USD (gần bằng với mức cả năm 2010), tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số này cho thấy xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những con số ấn tượng, Việt nam cũng phải giải quyết nhiều khó khăn ở phía trước khi hướng tới mục tiêu tăng cường xuất khẩu một cách bền vững.

Nghe nội dung chi tiết taịh đây:




Từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Dự báo cả năm sẽ có 22 mặt hàng, cao hơn năm trước 1 mặt hàng và lần đầu tiên Việt Nam có 2 mặt hàng (điện thoại, dệt may) vượt qua mốc kim ngạch 20 tỷ USD. Đã có thêm 1 địa phương (Tỉnh Thái Nguyên) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và có khả năng sẽ có tới 20 tỉnh/thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm nay.

 

Khởi sắc xuất khẩu Việt nam 6 tháng đầu năm 2014 - ảnh 1


Nhìn tổng thể, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản của cả nước đạt gần 15 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ tháng 5 tới nay, xuất khẩu một số hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó khăn. Trong bối cảnh như vậy, việc mở rộng thị trường mới càng trở nên cấp thiết. Đây cũng chính là hướng đi của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới để tránh phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường nhất định. Ông Phạm Quốc Thái, Đại diện Tổng Công ty rau quả và nông sản, chia sẻ: Thời gian tới dự báo xuất khẩu vẫn còn khó khăn. Định hướng của chúng tôi là đa dạng hóa thị trường, sản xuất mặt hàng có giá trị gia tăng cao như dứa, vải đông lạnh xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản rất tốt, thậm chí xuất sang Mỹ và một số thị trường mới nữa.

 

Một vấn đề nữa đang đặt ra đối với xuất khẩu của Việt Nam là gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời giảm bớt phụ thuộc về nhập khẩu nguyên phụ liệu ở một thị trường để tránh rủi ro khi thị trường có biến động. Dệt may, mộổttong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 10 tỷ USD, nhưng kết quả này cũng ẩn chứa nhiều vấn đề cần phải giải quyết, vì phần lớn nguyên phụ liệu của ngành này vẫn phải nhập từ nước ngoài, trong từ Trung Quốc chiếm gần 40%. Ông Trần Văn Khang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may Đông Bình (Bắc Ninh), cho rằng: vấn đề cốt lõi hiện nay là phải giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu từ nước ngoài bằng cách nội địa hóa các nguyên phụ liệu, tập trung gia tăng giá trị sản phẩm: Là 1 trong những doanh nghiệp gia công là chính, nhưng gần đây chúng tôi đang chuyển sang phương thức FOB(Tự chủ nguyên liệu) và đẩy mạnh sử dụng nhiều nguyên phụ liệu trong nước. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nội địa hóa một số nguyên phụ liệu để phục vụ cho đơn hàng FOB. Hoặc đẩy mạnh mua nguồn vải ở các thị trường khác như Thái Lan, Singapore…giảm bớt phụ thuộc vào nguyên liệu ở 1 thị trường.

 

Các doanh nghiệp đang triển khai đầu tư các vùng nguyên liệu, giúp sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị, từ đó giúp hàng xuất khẩu có thể tham gia vào nhiều thị trường khác nhau với giá trị cao hơn. Việc ngành dệt may thời gian qua thu hút nhiều dự án đầu tư vào công nghệ dệt, nhuộm, hoàn tất quy hoach phát triển công nghiệp phụ trợ cũng là hướng đi đúng đắn đẻ tăng cường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực.

 

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đối với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng đã khẳng định chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh tái cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu, đồng thời có những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với các doanh nghiệp:Chủ trương của Chính phủ là mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới và các thị trường nhập khẩu mới để tránh phụ thuộc vào 1 đối tác. Bên cạnh đó chúng ta phải tăng cường phát triển cơ sở sản xuất ra nguyên phụ liệu. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách cho sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng, tăng khả năng xuất khẩu, để qua đó xuất khẩu ngày càng ổn định và bền vững.

 

Việc tích cực đàm phán để tham gia các hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu ( EU) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP) cũng sẽ mở cửa thị trường hàng hóa, tạo điều kiện cho những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản…thâm nhập với quy mô lớn hơn vào các thị trường tiềm năng, giảm bớt phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu nhất định và đảm bảo xuất khẩu ổn định, bền vững./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác