(VOV5) - Những kết quả là cơ sở để đặt ra những mục tiêu mới cho nền kinh tế trong năm 2020.
Ảnh minh họa: Tạp chí Tài Chính |
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm 2019 là năm mà kinh tế Việt Nam đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tương đối đồng bộ các mục tiêu đề ra. Những kết quả là cơ sở để đặt ra những mục tiêu mới cho nền kinh tế trong năm 2020, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
2019 là năm thứ 2 liên tiếp kinh tế Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 6,8%, lạm phát dưới 3%.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cho rằng: "Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực, thực chất hơn, năng suất lao động tiếp tục được cải thiện; trong bối cảnh khó khăn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp đạt kết quả cao với trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt khá, lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp đạt kết quả cao, việc ổn định sản xuất chăn nuôi được thực hiện quyết liệt. Đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế. Cán cân thương mại giữ được nhịp tăng trưởng cao, mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước được cải thiện, xuất siêu năm thứ tư liên tiếp".
Kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2019 tiếp tục ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Chính sách tiền tệ được điều hành hiệu quả, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh. Hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền kinh tế chuyển dịch tích cực, thực chất hơn, năng suất lao động tiếp tục được cải thiện; trong bối cảnh khó khăn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định. Năm 2019 cũng đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 ước khoảng 33,8% GDP, phát huy vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân với mức tỷ trọng đầu tư tăng lên hơn 45% GDP.
Kết quả tăng trưởng kinh tế có được bởi năm 2019 công tác điều hành của Chính phủ với nhiều đổi mới, năng động, quyết liệt, hiệu quả, chú trọng vào xử lý những vấn đề lớn, dài hạn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những rào cản cho phát triển, khích lệ đổi mới sáng tạo trong xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật gắn với cắt giảm thủ tục hành chính tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: "Chính phủ chỉ đạo tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đưa ra định hướng, giải pháp tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ; nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh và nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội".
Năm 2019, các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh canh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.
Những kết quả quan trọng, toàn diện của năm 2019 là tiền đề để kinh tế Việt Nam trong năm 2020 hướng đến những mục tiêu cao hơn và tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Năm 2020, Việt Nam tiếp tục tập trung ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%. "Việt Nam tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo mọi thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu sớm vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, nâng cao hơn nữa các chỉ số xếp hạng quốc tế. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ, thực chất hơn. Tiếp tục khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; tạo đột phá trong việc xây dựng nền tảng phát triển kinh tế số".
Khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại và tìm ra các giải pháp xây dựng và thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế là quyết tâm của Việt Nam trong năm 2020. Đồng thời, Chính phủ có những chính sách để tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển mạnh kinh tế tư nhân; hỗ trợ hiệu quả kinh tế tập thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa.