(VOV5) - Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam đang phát huy hiệu quả, và cùng với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao phong phú.
Hiện nay, kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, các doanh nghiệp nước này đang hướng ra các địa bàn nước ngoài với nhiều kế hoạch mở rộng thị trường, tăng vốn đầu tư, phát triển cơ sở sản xuất... Trong bối cảnh đó, Việt Nam, với nhiều lợi thế, tiếp tục được coi là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, và là sự lựa chọn “chiến lược” của đa số các doanh nghiệp Nhật Bản. Vậy những yếu tố nào tạo nên “Sức hút Việt Nam” đối với các doanh nghiệp Nhật Bản?
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Theo kết quả cuộc điều tra do Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) vừa công bố hôm qua 12/12, Việt Nam đang giữ vị trí thứ hai trong số các địa chỉ đầu tư nước ngoài hấp dẫn và có triển vọng nhất đối với các doanh nghiệp nước này. Trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục thăng hạng trong các cuộc điều tra do JBIC tiến hành, khi từ vị trí thứ năm của vài năm trước, vươn lên thứ tư của năm 2022, và duy trì vị trí thứ hai từ năm 2023. Theo các chuyên gia kinh tế, chính trị gia, nhà quản lý và doanh nhân Nhật Bản, Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp, không chỉ Nhật Bản mà còn của nhiều nước khác.
Ông Imano Hiroshi – Phó chủ tịch công ty THK (Ảnh VOV Tokyo) |
Ông Imano Hiroshi – Phó chủ tịch công ty THK – một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất các linh kiện cơ khí chính xác của Nhật Bản, cho biết: “Yếu tố đầu tiên thu hút các doanh nghiệp nước ngoài là việc Việt Nam có một sức phát triển to lớn. Từ hơn 10 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi đã dần dần chiêm nghiệm được sức hút của Việt Nam.
Đặc biệt, trong vài năm gần đây, có rất nhiều các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đầu tư rất lớn vào Hà Nội. Xét về tiềm năng phát triển, Việt Nam có lợi thế lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định sẽ đầu tư tiếp”.
Cục trưởng Hoshino |
Bên cạnh đó, liên tục từ năm 2022 đến nay, Việt Nam giữ vững vị trí số hai, chỉ đứng sau Mỹ, trong bảng xếp hạng những điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố.
Khi bình chọn cho Việt Nam, các doanh nghiệp và giới chức Nhật Bản đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, đồng thời cho rằng Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho việc di chuyển các cơ sở sản xuất từ nước ngoài.
Về điều này, ông Hoshino Mitsuaki – Cục trưởng Cục kinh tế - thương mại - công nghiệp khu vực Kyushyu thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản nêu ý kiến: “Hiện nay, Việt Nam có một nguồn nhân lực dồi dào, đã qua đào tạo, nhất là đội ngũ kỹ sư có trình độ cao, có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của công việc.
Nhìn từ góc độ này, có thể nói, hai nước đủ khả năng để bổ khuyết cho nhau. Theo tôi, hai nước cần bắt đầu đẩy mạnh quá trình hợp tác từ việc hợp tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của mỗi bên”.
Hạ nghị sỹ Aoyagi Yoichiro (Ảnh VOV Tokyo) |
Các chuyên gia kinh tế còn phân tích, nếu như trước đây lợi thế của Việt Nam là nguồn nhân lực dồi dào và chi phí thấp, thì nay, năng lực đang ngày càng được nâng cao của nguồn nhân lực đã trở thành lợi thế cạnh tranh “đáng gờm” của Việt Nam đối với các địa chỉ đầu tư khác. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản cần tiếp tục chung sức để giải quyết một số vấn đề tồn tại, nhằm tiếp tục đưa hợp tác song phương lên một tầm cao mới.
Về điều này, Hạ nghị sỹ Aoyagi Yoichiro – một nhà lập pháp Nhật Bản rất có thiện cảm với Việt Nam, đề xuất: “Hai bên cần tiếp tục làm một việc nữa, đó là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Trên thực tế, trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang gặp phải một số khó khăn về thủ tục hành chính. Và ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải khó khăn tương tự tại Nhật Bản.
Đây là điểm mà Quốc hội và chính phủ hai nước cần nỗ lực hợp tác để giải quyết. Năm ngoái, mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, nhưng đã có doanh nghiệp Việt Nam được niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán của Nhật Bản. Đây là điều đáng hoan nghênh và là minh chứng về việc nếu chúng ta cùng nỗ lực, có thể giải quyết được các tồn tại”
Các các chuyên gia kinh tế, chính trị gia, nhà lập pháp, nhà quản lý và doanh nhân Nhật Bản cũng nhận định, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam đang phát huy hiệu quả, và cùng với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao phong phú... Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư, không chỉ của Nhật Bản mà còn của nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới, đóng góp to lớn vào việc đưa cả nền kinh tế cất cánh trong tương lai gần.