Nhiều kỳ vọng từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

(VOV5) - RCEP thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó giúp tận dụng cơ hội trong chuỗi giá trị.
Nhiều kỳ vọng từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 3. - Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Theo tuyên bố chung đưa ra bên lề Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 35 và các hội nghị liên quan tại Thái Lan, 15 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), không bao gồm Ấn Độ, đã hoàn tất giai đoạn đàm phán dựa trên văn bản của 20 chương trong Hiệp định gồm hầu như toàn bộ các vấn đề tiếp cận thị trường và hướng tới mục tiêu ký kết hiệp định vào năm 2020. Bộ Công Thương Việt Nam cho biết: Việc các nước hoàn tất đàm phán RCEP đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng cũng như của tất cả các nước tham gia RCEP nói chung, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên cản trở toàn cầu hóa. Riêng với Việt Nam, sau khi thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ tháng 1/2018 và ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) vào tháng 6/2019, việc hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Khi RCEP được ký kết và có hiệu lực, nguồn nguyên liệu sản xuất doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN và 6 nước cộng thêm cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: RCEP thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó giúp tận dụng cơ hội trong chuỗi giá trị, trong khi CPTPP chỉ dừng ở hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các cam kết. Ngoài ra, RCEP đàm phán mở cửa thị trường mua sắm công - mua sắm của Nhà nước. VCCI cũng kỳ vọng về cơ hội xuất, nhập khẩu từ RCEP. Theo đó, ưu đãi thuế quan sẽ được cải thiện hơn nữa; quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng; thống nhất trong các quy trình về hải quan, tạo thuận lợi thương mại; giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ sản xuất.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác