(VOV5) - Các khu kinh tế cửa khẩu tại Quảng Ninh đang được khai thác hợp lý, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực.
Hoạt động xuất nhập khẩu và các khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế địa phương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 3 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu với tổng diện tích hơn 144 ha, gồm: Móng Cái, Hoành Mô - Ðồng Văn và Bắc Phong Sinh. Các khu kinh tế cửa khẩu tại Quảng Ninh đang được khai thác hợp lý, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng phụ trợ tại các cửa khẩu, phát triển hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, phát triển kinh tế qua khu kinh tế cửa khẩu.
Thành phố Móng Cái - hạt nhân của KKT cửa khẩu Móng Cái có lợi thế “ven biên”, “ven biển” với các cửa khẩu, lối mở song phương - Ảnh: Trường Giang/VOV |
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Hải quan Quảng Ninh đã triển khai Đề án mô hình cửa khẩu số áp dụng thí điểm tại Cầu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái); cắt giảm trên 10 nhóm hàng nhập khẩu diện phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa đối với 2 thủ tục; kiến nghị công bố 1 thủ tục, bãi bỏ 1 thủ tục hành chính; kiến nghị việc công khai 34 thủ tục hành chính... Hải quan Quảng Ninh cũng đề xuất với Thành phố Móng Cái đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại qua các cặp cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố với Đông Hưng (Trung Quốc). Cục Hải quan tỉnh cũng tích cực tham gia tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin, hướng tới một mô hình hải quan hoàn toàn số hóa.
Ông Trịnh Văn Nhuận, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, cho biết, tổng thu ngân sách từ hoạt động XNK trên địa bàn tính đến ngày 15/12 năm ngoái đạt hơn 17.200 tỷ đồng (hơn 67,5 triệu USD), tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp làm thủ tục qua địa bàn tăng cao với 2.046 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan (tăng 30% so với năm ngoái): "Năm nay, số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng rất nhiều so với năm ngoái, có gần 2.000 doanh nghiệp. Chúng tôi tiếp tục triển khai phần mềm theo dõi đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, qua theo dõi doanh nghiệp đánh giá rất cao, khoảng 98-99% doanh nghiệp hài lòng với chất lượng phục vụ của lực lượng Hải quan... Đây là yếu tố quyết định đẫn đến việc thu hút doanh nghiệp qua địa bàn, góp phần giúp kim ngạch, lượng mở tờ khai tăng. Chúng tôi đánh giá mấu chốt vẫn là công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là thủ tục hành chính phải được giải quyết nhanh nhất, rút gọn, tháo gỡ vướng mắc ngay khi mà các doanh nghiệp gặp khó khăn về cơ chế, chính sách".
Cửa khẩu Bắc Luân 2 (thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái) có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của các nhà đầu tư FDI tại Quảng Ninh - Ảnh: Quỳnh Nga/Báo Đầu tư |
Cùng với các ngành chức năng, địa phương có KKT cửa khẩu cũng chủ động trong việc khai thác hiệu quả, lợi thế của các KKT này. KKT Cửa khẩu Móng Cái đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí, với nhiều phương thức kết nối với thị trường Trung Quốc thông qua hệ thống cửa khẩu, cầu bắc qua sông, cảng bến, thương mại biên giới... Đến nay KKT Cửa khẩu Móng Cái đã thu hút hơn 120 dự án, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD và gần 24.000 tỷ VND, hiện thu ngân sách nhà nước đứng đầu của tỉnh Quảng Ninh, ước cả năm đạt hơn 5.000 tỷ đồng (19,6 triệu USD).
Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, cho biết: "Địa phương phấn đấu xây dựng, phát triển KKT Cửa khẩu Móng Cái trở thành KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp, cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thời gian qua, chúng tôi đã tập trung hoàn thành vào các Quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chiến lược KKT cửa khẩu Móng Cái, các quy hoạch phân khu và chi tiết, từ đó xác định 3 trụ cột trong phát triển kinh tế, lấy kinh tế biên mậu, dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển logistics là trụ cột để chi phối các ngành kinh tế khác. Chúng tôi tập trung thu hút các nhà đầu tư với chủ trương là lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, dùng ngân sách để đầu tư các hạ tầng cốt lõi, hạ tầng chiến lược, ví dụ như cao tốc, hạ tầng đô thị, cửa khẩu, giao thông… để hoàn thiện, mời gọi các nhà đầu tư vào phát triển Khu công nghiệp (KCN), bến bãi, kho ngoại quan, các dịch vụ khu vực cửa khẩu".
Với những giải pháp đồng bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm ngoái đạt hơn 18 tỷ USD (tăng 17% so với năm 2023). Các Khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy giao lưu, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.