Sản xuất kinh doanh: Nhiều tín hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm

(VOV5) - Sản xuất kinh doanh tăng trưởng là tín hiệu đáng mừng và tạo động lực mạnh mẽ cho những tháng còn lại của năm 2024 và những năm tiếp theo.

6 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, với mức tăng trưởng GDP đạt 6,42%. Trong đó, sản xuất kinh doanh ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, hứa hẹn tạo đà cho sự chuyển biến đi lên của nửa cuối năm nay và năm sau.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, kinh tế ghi nhận các kết quả tích cực với chỉ số tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng với 56/63 địa phương có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%.
Lý giải cho sự tăng trưởng tích cực này, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, khẳng định đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân đầu tư vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm, cũng như kết quả thu hút giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước:  "Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đồng hành cùng với các hiệp hội doanh nghiệp để tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi, các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử và chế biến thực phẩm... Ngoài ra, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước đã được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đây là những tín hiệu mới, tích cực, khi các doanh nghiệp trong nước đã tăng trưởng xuất khẩu gấp gần 2 lần so với doanh nghiệp FDI".
Sản xuất kinh doanh: Nhiều tín hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm - ảnh 1Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Canon có vốn đầu tư Nhật Bản thuộc Khu Công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên. Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, mới đây, Chính phủ đề xuất tiếp tục kéo dài việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm nay, tức là kéo dài thêm 6 tháng so với quyết định hồi cuối năm ngoái của Quốc hội. Thông tin này được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực. Bởi việc giảm thuế giá trị gia tăng giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Sản xuất kinh doanh: Nhiều tín hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm - ảnh 2Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương.
Ảnh: TTXVN

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinapharma Group, cho rằng: "Việc giảm thuế và đặc biệt là thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua cũng như thời gian sắp tới thì tất cả các doanh nghiệp đều đang được hưởng lợi. Điều đó giúp cho doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí sản xuất kinh doanh. Qua đó, cũng sẽ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng và nhất là những người tiêu dùng cuối, họ sẽ kích cầu để cho sức mua được tăng lên. Ngoài ra thì doanh nghiệp cũng có thể sử dụng những nguồn vốn đó để tái sản xuất."

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, dù tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm có tín hiệu tích cực, song quá trình phục hồi vẫn đang chưa được như kỳ vọng. Cùng với đó, thị trường thế giới còn khó khăn với nguy cơ về những bất ổn trong tương lai, áp lực lạm phát cao, nguy cơ đứt gãy trong chuỗi cung ứng vẫn lớn, những xung đột địa chính trị, sự tăng giá năng lượng… Những khó khăn này vẫn đang tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì vậy, dù đã có những tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng sản xuất kinh doanh ở cả trung hạn và dài hạn, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, nêu giải pháp: "Tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực. Đồng thời, thúc đẩy và đưa vào vận hành các dự án sản xuất mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu."

Để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp thực hiện cũng đồng thời đẩy mạnh cả hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số cho những hoạt động sản xuất để tiết giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển bền vững cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tập trung nguồn lực để đổi mới trang thiết bị, công nghệ, đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.

Bất chấp những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, sản xuất kinh doanh tăng trưởng là tín hiệu đáng mừng và tạo động lực mạnh mẽ cho những tháng còn lại của năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác