Tận dụng sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới

(VOV5) - Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế mở, năng động với việc đã ký được nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác lớn. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

Với những ưu thế vượt trội so với thương mại truyền thống, thương mại điện tử đã và đang trở thành giải pháp được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu. Việc nhập cuộc nhanh với thương mại điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng doanh số bán hàng, mở rộng quy mô sản xuất, mà còn có thể tăng độ nhận diện và tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Tận dụng sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới - ảnh 1Thương mại điện tử đã và đang trở thành giải pháp được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế mở, năng động với việc đã ký được nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác lớn. Nhiều mặt hàng có lợi thế được hưởng thế suất bằng 0 khi xuất khẩu. Việt Nam cũng đang trở thành trung tâm cung cấp, sản xuất hàng hóa mới ở khu vực Châu Á. Ngoài ra, nhu cầu của khách hàng trên sàn thương mại điện tử cũng đang hướng tới đa dạng hóa nguồn cung trên nhiều khu vực địa lý khác nhau.

Những lợi thế trên cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất và chuyển đổi số mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu xuyên biên giới thông qua sàn thương mại điện tử. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt thời gian qua đã phát huy lợi thế này để thúc đẩy xuất khẩu bán lẻ qua kênh thương mại điện tử một cách hiệu quả tại các sàn, như: Alibaba, Amazon…

Ông Tô Nghiệp Siêu, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hành Sanh chia sẻ từ năm 2019, công ty gia nhập sàn thương mại điện tử Alibaba. Kể từ thời điểm đó, doanh thu của doanh nghiệp tại thị trường quốc tế đã đạt mức trên 150.000 USD.

Hiện nay, qua Alibaba, Hành Sanh đã đưa hàng hoá thâm nhập vào 7 quốc gia: "Kể từ khi tham gia mình đã nhận được rất nhiều đơn hàng từ những khách hàng đa quốc gia. Nếu chi phí cho một đơn hàng đi nước ngoài cần cỡ hơn 100 triệu USD, nhưng làm online thì chi phí tối thiểu chỉ mất khoảng vài nghìn USD thôi khi đầu tư vào gian hàng trên sàn thương mại điện tử và nó được duy trì xuyên suốt 24/24."

Tương tự, Công ty Organic Kentary ở thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 1 năm xuất khẩu trực tuyến trái cây sấy khô qua nền tảng thương mại điện tử của sàn Alibaba.com. Theo đại diện công ty chia sẻ, kể từ khi tham gia, xuất khẩu của công ty tăng trưởng tốt. Riêng 5 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu được hơn 2 triệu USD, tăng gấp đôi so với cả năm ngoái. Còn Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Minmax cũng khẳng định kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử đã đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp trong những năm gần đây. Sản phẩm của công ty phát triển trên sàn thương mại điện tử đã tiếp cận được với khách hàng trên toàn cầu. Hiện tại, xuất khẩu trực tiếp theo phương thức truyền thống của doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử.

Bà Tô Thị Hồng Điệp, giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Minmax, chia sẻ: "Các đối tác quốc tế thay vì tìm nguồn hàng thông qua triển lãm trực tiếp, thì thông qua sàn thương mại điện tử để có thể tìm kiếm các nhà cung cấp, các bên buôn bán tìm đến với nhau. Đây là xu hướng toàn cầu, mình nghĩ là tất cả doanh nghiệp nếu mà đang có hướng vươn ra thị trường quốc tế thì nên tham gia ngay vào sàn thương mại điện tử."

Xuất khẩu xuyên biên giới là thị trường số rộng lớn, tạo cơ hội cho hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi lĩnh vực, ngành hàng. Theo dự báo, 8 ngành có xu hướng đang tăng nhanh, tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này xuất khẩu thời gian tới. Đó là các ngành: nhà cửa- sân vườn, làm đẹp, ăn uống và thực phẩm, nông nghiệp, may mặc, phụ kiện bao bì, in ấn và nội thất. Trong đó, sản phẩm đồ dùng trong nhà, vườn và có mức tăng trưởng từ 271%- 871%, làm đẹp tăng hơn 329%.

Tuy nhiên, để giao thương thành công trên những nền tảng có nhiều khách hàng khó tính, các nhà sản xuất, phân phối Việt Nam ngoài nỗ lực của tự thân doanh nghiệp, còn cần có sự hỗ trợ và đào tạo bài bản của cơ quan chức năng. Năm 2023, Bộ Công thương đã phối hợp đã phối hợp với Alibaba.com xây dựng và vận hành Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion trên sàn thương mại điện tử này. 100 doanh nghiệp tiêu biểu được lựa chọn tham gia gian hàng.  Qua đó, Bộ hỗ trợ doanh nghiệp bước đầu xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu, kết nối với khách hàng quốc tế. 

Tận dụng sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới - ảnh 2Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ công thương. Ảnh: Liên Thượng

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ công thương, cho rằng: "Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều các đặc sản theo vùng miền, nhưng bán hàng thường là thông qua một công ty ủy thác. Họ mua gom về sau đó xuất khẩu xuyên biên giới.

Do vậy, người trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm đó thì hưởng lợi không được cao, do vậy thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ giúp cho những nhà sản xuất trực tiếp, nhà sản xuất nhỏ lẻ đó tham gia trực tiếp xuất khẩu."

Trong năm 2023, giá trị xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đạt 14 tỷ USD. Trong thời gian tới, thương mại điện tử xuyên biên giới chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp hàng hóa Việt Nam tăng khả năng nhận diện và tạo chỗ đứng trên thị trường toàn cầu.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác