(VOV5) - Nếu được liên kết chặt chẽ thì sức mạnh tổng hợp của các bộ phận hợp thành cụm liên kết ngành sẽ lớn hơn sức mạnh của các thành viên riêng lẻ gộp lại.
Hội thảo “Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng 6/9, tại Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: kinhtedothi.vn |
Báo cáo tại hội thảo cho thấy: thời gian qua, liên kết ngành và vùng được thúc đẩy đã giúp cơ cấu ngành dịch chuyển tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất nông nghiệp được tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng; một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế, như: Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm; đặc biệt, việc cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường tính độc lập, tự chủ, nâng cao sức chống chịu của ngành kinh tế còn nhiều hạn chế…
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: "Năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp hay mỗi ngành nghề không chỉ do doanh nghiệp hay ngành đó quyết định, mà phụ thuộc rất nhiều vào “hệ sinh thái” hay cụm liên kết ngành. Vậy nếu được liên kết chặt chẽ thì sức mạnh tổng hợp của các bộ phận hợp thành cụm liên kết ngành sẽ lớn hơn sức mạnh của các thành viên riêng lẻ gộp lại".