Xuất khẩu thủy sản hướng tới kỷ lục mới


(VOV5) - Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 7 tháng của năm 2022 ghi nhận con số cao và lĩnh vực xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang hướng tới kỷ lục mới trong năm nay.

Theo số liệu từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ tháng 1-7 của năm 2022 ghi nhận con số cao kỷ lục, 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến xuất khẩu thủy sản sẽ lần đầu tiên vượt mốc trên 10 tỷ USD trong năm nay, tăng 12 – 15% so với năm 2021, trong đó tôm và cá tra chiếm khoảng 6,5 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2025 tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 12,5 tỷ USD. Đáng chú ý, tăng trưởng xuất khẩu ghi nhận ở hầu hết các thị trường lớn.

Đánh giá từ Tổng cục thủy sản, chế biến thủy sản đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2018 – 2022, các cơ sở chế biến thủy sản công nghiệp đã áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, hiện có hơn 800 cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào các thị trường. Trong đó, gần 700 cơ sở xuất khẩu vào thị trường EU. Việc triển khai thực hiện nghiêm các quy định đã giúp thủy sản của Việt Nam được gần 200 quốc gia ưa chuộng. Các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định khá đầy đủ và hoàn thiện, được Ủy ban Châu Âu (EC) đánh giá cao qua vài lần khảo sát. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, cho rằng: "Trong những năm qua ngành thủy sản cũng đã phối hợp rất tốt với các bộ ngành, địa phương liên quan và cũng nhận được sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương liên quan trong quá trình quản lý thủy sản cũng như là phát triển sản xuất, nuôi, chế biến, xuất khẩu góp phần tích cực trong sự tăng trưởng, phát triển chung của ngành thủy sản".

Tuy nhiên, hoạt động thủy sản đang đứng trước rất nhiều thách thức từ yêu cầu hội nhập quốc tế, sự phát triển nhanh trong nước và nhiều ngành, lĩnh vực liên quan và điều này rất cần thiết cho sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ ngành liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Theo Phó tổng thư ký hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam, hiện nay nguồn nguyên liệu nuôi trồng chiếm khoảng 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Bên cạnh việc đầu tư công nghệ để gia tăng chất lượng sản lượng nuôi thì nhu cầu mở rộng vùng nuôi tập trung, bao gồm cả khu vực sản xuất giống là cần thiết để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tăng cường quản lý điều kiện nuôi qua mã số vùng nuôi: "Quá trình đầu tư về hạ tầng nghề cá nó là quá trình để tạo ra chuỗi chúng ta có đạt được tốt hay không, chúng tôi cũng đề nghị thúc đẩy quy trình cấp giấy xác nhận, chứng nhận cho khai thác hải sản này. Quá trình số hóa chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy ở đây nhanh hơn từ nguyên tắc địa phương để quy trình này nó không bị vướng mắc khi cấp giấy chứng nhận".

Ngành Thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, việc định hướng chiến lược phát triển cho ngành theo từng giai đoạn trước những biến động của thị trường thế giới là điều thực sự cần thiết. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19 và biến động thị trường thế giới, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ghi nhận con số tích cực là tín hiệu mừng để ngành này tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác