Tạo động lực để doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển kinh tế số

(VOV5) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn chỉnh.

Trong tuần, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Đề án về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) đã họp tại Hà Nội để đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án này. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và mục tiêu trong chuyển đổi số, để người dân, doanh nghiệp được thực sự thụ hưởng thành quả do chuyển đổi số mang lại, không ai bị bỏ lại phía sau.

Tạo động lực để doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển kinh tế số - ảnh 1Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược - Ảnh: VOV

Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong chuyển đổi số thời gian qua. Doanh thu công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) 6 tháng ước đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng (trên 74,7 tỷ USD); sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và đã xuất khẩu đi khắp thế giới, trong 6 tháng ước đạt 64,8 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đã cam kết đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chíp bán dẫn, nghiên cứu phát triển và trí tuệ nhân tạo.

Cùng với đó, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt được tích cực triển khai. Hơn 1 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 1,8 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản. Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 85 bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; 100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản VNEID đã được cấp; triển khai 43/53 dịch vụ công thiết yếu, tăng 5 dịch vụ công so với cuối năm 2023. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh, từ ngày 01/07/2024 người dân có thể sử dụng duy nhất tài khoản VNEID để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; cùng với đó, các dịch vụ y tế, giáo dục, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt cũng được tích cực triển khai hiệu quả.

Tạo động lực để doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển kinh tế số - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VOV

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thời gian tới: "Chúng ta phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể trong chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu của chúng ta là phục vụ cho người dân doanh nghiệp. Cùng với đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho Bộ, ngành, địa phương và chia sẻ dữ liệu này. Đây là 1 động lực tăng trưởng, khi chúng ta ưu tiên cho tăng trưởng chúng ta phải làm, phải ra sản phẩm, ra kết quả cụ thể, từ đó, tạo động lực cho xã hội, doanh nghiệp và nhân dân tham gia để phát triển kinh tế số, xã hội số".

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn chỉnh; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm… để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả của chuyển đổi số mang lại.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác