(VOV5) - TPHCM và các tỉnh, thành thành Đông- Tây Nam bộ sẽ mở rộng quy mô sản xuất để tham gia chuỗi liên kết vùng...
Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu tàu, hạt nhân để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh trong vùng. Việc đẩy mạnh kết nối, thúc đẩy giao thương giữa TP.HCM và vùng Nam Bộ trong thời gian qua đã góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân, doanh nghiệp, tạo nguồn cung hàng hóa ổn định cho thị trường thành phố và đẩy mạnh xuất.
Ảnh minh họa |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trước đây, mỗi năm Cơ sở sản xuất tôm khô Sông Đầm ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau chỉ tiêu thụ từ 400-500 kg tôm khô ở vài tỉnh lân cận. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, khi tham gia chương trình hợp tác thương mại với thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm cơ sở này tiêu thụ sản phẩm tăng gấp đôi, giá bán tăng 20-30% so với trước đó. Sản phẩm này được bán tại nhiều chợ truyền thống và cửa hàng thực phẩm ở TP.HCM.
Anh Lê Minh Sang, chủ Cơ sở sản xuất tôm khô Sông Đầm, cho biết: "Hàng của mình chất lượng nhưng bán ở tỉnh thì bị mấy đầu mối ép giá. Từ khi tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu này thì các doanh nghiệp như Bicg C, Coopmart và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch biết mình, mình ký được nhiều hợp đồng và bán sản phẩm nhiều hơn".
Mỗi ngày, các chợ đầu mối của TP.HCM tiếp nhận hàng nghìn tấn nông sản, thực phẩm từ các địa phương về phân phối cho hơn 230 chợ truyền thống trên địa bàn. Hiệu quả của chương trình hợp tác thương mại không chỉ tiêu góp phần thụ sản phẩm cho nông dân, doanh nghiệp trong khu vực mà còn liên kết để các doanh nghiệp ở TP.HCM mở rộng nhà xưởng, cơ sở sản xuất và chế biến. Qua 5 năm thực hiện chương trình (2016 - 2020), 28 doanh nghiệp bình ổn thị trường của TPHCM đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ. Các doanh nghiệp đã liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm. Phần lớn các doanh nghiệp bình ổn thị trường thành phố đã xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh, thành này.
Theo lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ, chương trình cũng tác động để người sản xuất đáp ứng các yêu cầu về nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, đánh giá: "Chương trình hợp tác này làm thay đổi hành vi của người sản xuất. Long An rất ủng hộ. Long An sẽ tiếp tục hợp tác cung ứng cho Tp.HCM sản phẩm chất lượng cao hơn".
Để nâng cao hiệu quả chương trình, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết Sở tập trung, ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap. Để xuất khẩu, nhất là vào thị trường Châu Âu phải đảm bảo chất lượng, duy trì ổn định sản lượng. Tuy nhiên, từng tỉnh, thành rất khó thực hiện mà phải có sự hợp tác chặt chẽ trong vùng. Thành phố sẽ đầy mạnh sự liên kết này. Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: "TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với các tỉnh, thành triển khai quyết liệt công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các bên kết nối, tháo gỡ khó khăn cho các bên, tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết thương mại, sản xuất và xuất khẩu".
“Muốn đi nhanh thì đi 1 mình, muốn đi xa thì đi nhiều người” đó là triết lý kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp rất tâm đắc. Vì vậy để cùng nhau đi xa và phát triển hơn nữa, TPHCM và các tỉnh, thành thành Đông- Tây Nam bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, mở rộng quy mô sản xuất để tham gia chuỗi liên kết vùng, hướng tới thị trường xuất khẩu để cùng nhau vươn ra biển lớn.