(VOV5) - Từ chủ trương “trải chiếu hoa” mời gọi đầu tư, đến nay Bình Dương đứng thứ 3 cả nước sau TP.HCM và Hà Nội về thu hút đầu tư nước ngoài với gần 3.900 dự án FDI.
Xuất phát điểm là vùng đất chuyên trồng cây lâu năm, Bình Dương dần trở thành một tỉnh công nghiệp, liên tục nằm trong top đầu các địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tốt nhất cả nước. Kết quả đó là nhờ địa phương này đã tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại, “trải chiếu hoa” mời gọi các nhà đầu tư. Đây cũng chính là chủ trương mà Bình Dương đã sớm định hướng và triển khai thực hiện, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cách đây 12 năm, khi đến Việt Nam tìm hiểu đầu tư, ông Yamamoto Kazuhito, Tổng giám đốc Công ty TNHH Taisei Bijutsu Printing đã đi qua nhiều địa phương và quyết định dừng chân ở Bình Dương. Ông chia sẻ, lúc đó Bình Dương là địa phương đi đầu về thực hiện chính sách mở cửa kinh tế so với các tỉnh, thành khác. Khi vừa đăng ký dự án ở đây, ông được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chào đón, hỗ trợ nhiệt tình về thủ tục, các chính sách ưu đãi. Cũng vì lẽ đó, ông không phải đắn đo suy nghĩ mà nhanh chóng cho xây dựng và đưa vào hoạt động Công ty TNHH Taisei Bijutsu Printing tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát.
Với lợi thế tiếp giáp gần TPHCM, cơ sở hạ tầng từ thành phố đến các khu công nghiệp hầu như đã hoàn thiện nên đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp. Cùng với đó, nơi đây có nguồn nhân lực khá dồi dào để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Bình Dương tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis 2018 và 2019. Nguồn: CTV Thiên Lý |
Ông Yamamoto Kazuhito cho biết: "Ở Bình Dương, 100% các khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt và quy hoạch đi vào hoạt động. Giá đầu tư thuê đất ở khu công nghiệp Mỹ Phước còn rẻ nên tôi chọn xây công ty. Nơi đây có hệ thống điện cơ bản ổn định, nguyên vật liệu nhập khẩu thông qua các cảng vận chuyến đến nhà máy rất thuận tiện."
Những năm gần đây, các nhà đầu tư Hàn Quốc đến Bình Dương ngày càng nhiều. Tính đến nay, địa phương này có 62 dự án với tổng số vốn đầu tư là 68 tỷ USD của nhà đầu tư từ Hàn Quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, giày da, chế tạo sản phẩm hỗ trợ ngành ô tô, y tế, hóa mỹ phẩm và chế biến thực phẩm… Việc các doanh nghiệp Hàn Quốc chọn Bình Dương làm điểm đến, rót vốn làm ăn góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã cho thấy tiềm năng lớn trong việc tăng tốc thu hút vốn đầu tư từ nước này.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đi thăm các doanh nghiệp đang hoạt động trong tỉnh.
Nguồn: VOV.VN
|
Lí giải việc các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn Bình Dương đầu tư, ông Kim Won Sik, Chủ tịch Chi hội doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc (Kocham) tại Bình Dương cho biết: "Quan hệ giữa các cơ quan của Bình Dương và các công ty FDI rất tốt, hàng năm đều có buổi hội đàm giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp. Thông qua chương trình này nhiều vấn đề khó khăn đã được tháo gỡ. Theo cảm nhận của tôi, Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng luôn dành sự ưu ái cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đã khiến cho doanh nghiệp đầu tư ngày một nhiều hơn tại đây."
Cũng từ chủ trương “trải chiếu hoa” mời gọi đầu tư, đến nay Bình Dương đứng thứ 3 cả nước sau TP.HCM và Hà Nội về thu hút đầu tư nước ngoài với gần 3.900 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 35 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2020 trong lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư thì Bình Dương vẫn đạt gần 69% chỉ tiêu năm.
Cùng với sự chủ động đổi mới tích cực về cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng thì chủ trương sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với các quốc gia trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước cũng được Bình Dương quán triệt, vận dụng hiệu quả. Hiện Bình Dương đã chính thức thiết lập quan hệ với 10 tỉnh/thành phố của các nước.
Ông Lê Phú Hòa, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, tăng cường công tác đối ngoại, Bình Dương đã tổ chức thành những chương trình mang tầm cỡ quốc tế như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á năm 2018, 2019, Hội nghị lần thứ 11 của Đại hội đồng Hiệp hội Đô thị Khoa học Thế giới (WTA).
Từ đó góp phần giúp tỉnh Bình Dương mở rộng mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực; chủ động quảng bá hình ảnh địa phương, một tỉnh công nghiệp đầy tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư: "Lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, tăng cường công tác tiếp thị và xúc tiến đầu tư. Trong thời gian vừa qua, xuất phát từ quan điểm Bình Dương luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình đối thoại, gặp gỡ với các doanh nghiệp nước ngoài."
Có thể nói, những hoạt động kinh tế đối ngoại năng động và hiệu quả đã góp phần thu hút ngày càng nhiều dự án FDI vào Bình Dương. Nguồn vốn FDI là một nguồn lực to lớn làm nền tảng cho việc triển khai các giải pháp cụ thể về phát triển công nghiệp gắn với xây dựng đô thị thông minh. Chính những hoạt động đối ngoại đã góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của một tỉnh Bình Dương năng động và sáng tạo.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương khẳng định: "Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tận dụng mối quan hệ sẵn có như những tỉnh kết nghĩa với Bình Dương, các tổ chức Bình Dương, hiệp hội các doanh nghiệp lớn ở Bình Dương tham gia… đưa những mối quan hệ thành hợp tác cụ thể. Lực lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Bình Dương cũng là lực lượng hỗ trợ địa phương tổ chức đối ngoại tốt".
Với những nỗ lực trong tăng cường quan hệ đối ngoại, những quyết sách kịp thời, đúng đắn, Bình Dương chắc chắn sẽ có những bước dài trong quá trình hội nhập quốc tế.