(VOV5) - Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc họp không chính thức của các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trên nhiều phương diện.
Ngày 16/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc họp không chính thức của các Nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) theo hình thức trực tuyến. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã trao đổi với báo chí về mục đích, ý nghĩa cuộc họp và những đóng góp của Việt Nam cho APEC.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết hơn một năm qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc, đa chiều tới mọi mặt kinh tế, xã hội của các nước và các nền kinh tế, APEC đã thể hiện sự chủ động, tích cực, cũng như năng lực thích ứng với tình hình này.
Trong năm APEC 2021, Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà New Zealand cũng như các nền kinh tế thành viên APEC trong việc đóng góp ý tưởng vào các chương trình nghị sự chính của Diễn đàn. Việt Nam là một trong những nước đi đầu APEC kêu gọi các nền kinh tế phát triển hơn trong APEC tự nguyện chia sẻ về công nghệ, bảo đảm sự tiếp cận nhanh chóng, công bằng và với chi phí hợp lý về vaccine. Việt Nam hợp tác với các thành viên APEC trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm cho thanh niên.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc họp không chính thức của các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, chủ đề và nội dung chính của Hội nghị lần này hết sức phù hợp với ưu tiên và quan tâm của Việt Nam cũng các nền kinh tế thành viên. Đó là những vấn đề kinh nghiệm ứng phó với đại dịch - đặc biệt là vấn đề tiếp cận vaccine, phục hồi kinh tế, đảm bảo thông suốt của chuỗi cung ứng và các biện pháp hỗ trợ những nhóm người yếu thế trong khó khăn, khủng hoảng này.
Thứ hai, trên cơ sở những định hướng, giải pháp mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC đưa ra, Việt Nam sẽ triển khai, cụ thể hóa các cam kết đó thành các hoạt động hợp tác, chương trình hành động ở cả kênh đa phương trong APEC cũng như song phương với các đối tác chiến lược, nhất là những đối tác có nguồn lực và tiềm năng lớn về vaccine, tài chính và thị trường.
Thứ ba, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển năng động và có những đóng góp tích cực trong APEC, sự tham gia và đóng góp tích cực của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị một lần nữa sẽ thể hiện trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của Việt Nam cho hợp tác trong APEC, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao vai trò, vị thế của diễn đàn APEC trong cấu trúc quản trị kinh tế toàn cầu.