Thị trường xuất khẩu nông sản năm 2016 khởi sắc

 (VOV5) - Năm 2016, xuất khẩu nông sản sẽ có nhiều khởi sắc do nhu cầu thị trường tăng và một số hiệp định thương mại tự do mà Việt nam  ký kết bắt đầu hiệu lực. Để giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn và Bộ Công thương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh  xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.

Thị trường xuất khẩu nông sản năm 2016 khởi sắc  - ảnh 1
Nhiều mặt hàng nông sản dự báo sẽ có kim ngạch cao trong năm 2016. (Ảnh minh họa: KT)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản đã đạt gần 3 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,7% so với cùng năm ngoái và chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Một số mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu tăng cao là nhân điều, gạo, cà phê...

Năm 2016 này, xuất khẩu nông sản của Việt nam được đánh giá có nhiều cơ hội khởi sắc hơn do nhu cầu thị trường tăng, đặc biệt là có sự tác động từ các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt nam và các đối tác chính thức có hiệu lực. Hiện xuất khẩu nông sản của Việt nam tập trung chủ yếu vào những thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, châu Phi. Một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam là Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh. Thời gian qua, các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ yếu như: gạo, gỗ, cà phê , hạt tiêu, điều vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt. Riêng mặt hàng rau quả xuất khẩu có tốc độ phát triển vượt bậc. Trước đây, những loại trái cây như: Thanh Long, xoài, vải thiều, nhãn... chưa bao giờ được xuất ngoại thì này đã vào được những thị trường khó tính như: Hoa kỳ, EU và Nhật bản. Nếu như giữ được tình hình xuất khẩu rau hoa quả như thời gian qua, cuối năm nay, xuất khẩu rau hoa quả có thể đạt 2 tỷ USD. Điều này cho thấy xuất khẩu các mặt hàng nông sản còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản cũng gặp không ít thách thức, điều quan trọng nhất hiện nay là phải có các giải pháp tổ chức lại sản xuất, bám sát nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Văn Bích, chuyên gia phân tích thị trường, cho rằng: “Theo tôi, trước hết chúng ta phải điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất nông nghiệp và cần dự báo  báo đúng những diễn biến của thị trường. Hiện chúng ta có 11 mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ yếu , nhưng nhiều mặt hàng trong đó đã tới ngưỡng khó có thể tăng thêm nữa, hoặc có tăng thì mực tăng cũng hạn chế. Do vậy cần xác định những mặt hàng nông sản mới có tiềm năng, có khả năng cạnh tranh và có lợi thế để phát triển thêm  nữa. Tôi nói ví dụ như mặt hàng chuối xuất khẩu trong tương lại có thể hướng tới 1 tỷ USD. Hay như mặt hàng rau xuất khẩu có thể đạt cả tỷ USD mà theo tôi biết ngay các nước xung quanh Việt Nam như : Malaysia, Indonesia và Singapore  đang có nhu cầu nhập khẩu rau”.

 

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, Việt Nam cũng đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản. Bên cạnh những rào cản về kỹ thuật, chất lượng, an toàn thực phẩm, thì vấn đề nguồn gốc xuất xứ đối với nông sản đang là vấn đề mà  các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ lực khắc phục. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông sản như tiềm năng sẵn có, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt nam đã đề ra nhiều giải pháp xuất khẩu các mặt hàng này trong thời gian tới. Bên cạnh việc đẩy mạnh quy hoạch, hình thành các các vùng chuyên canh, đa dạng hoá sản phẩm, thì bản thân người nông dân và doanh nghiệp đang nỗ lực và có chiến lược sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính nhất. Để tạo được vị thế trên thương trường, các doanh nghiệp phải đi lên bằng nội lực, khẳng định được chất lượng và thương hiệu của chính mình. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Cả về mặt hàng xuất khẩu chủ lực hiện tại lẫn nễưng mặt hàng xuất khẩu tiềm năng trong những năm tới thì Việt nam luôn phải chú trọng tới 2 vấn đề: Thứ nhất cần xác định là chọn lượng hay chọn chất. Vấn đề thứ hai là làm sao bảo đảm chất lượng đồng đều để tạo ra uy tín và chất lượng,  hay nói cụ thể là tạo ra thương hiệu cho mỗi mặt hàng nông sản xuất khẩu”.    

 

Để tận dụng thời cơ từ quá trình hội nhập mang lại, công tác dự báo thông tin thị trường nước ngoài, công tác xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản đang được tăng cường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương, đặc biệt là hệ thống Thương vụ tại nước ngoài phải là cầu nối quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới thông tin thông suốt, thúc đẩy quan hệ, kết nối xuất-nhập khẩu nông-lâm- thủy sản. Đây cũng là cơ sở kết nối quan trọng giữa các thị trường với Việt Nam nhằm đáp ứng việc nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các nước nhập khẩu.

 

Để đạt muc tiêu tăng trưởng xuất khẩu nông sản trong năm 2016, Nhà nước cũng đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể trong việc hỗ trợ nông dân đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng các khoa học- công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin và gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Cùng với đó là việc hình thành chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác