(VOV5) -Đó là chủ đề của Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 28/8 tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng với lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là những phế phụ phẩm trong nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn. để đạt mục tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ.
Quang cảnh Hội nghị- Ảnh QĐND |
Để thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ cần tập trung nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới đáp ứng các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất cũng như đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra từ khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón; đẩy mạnh tập huấn nâng cao nhận thức, tư duy của người dân về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ. Đồng thời hướng dẫn người dân kiến thức sử dụng phân bón cũng như phối hợp với các doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình sử dụng phân bón hữu cơ.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm, chia sẻ: "Để thúc đẩy sản xuất phân bón quan trọng là từ phía người tiêu dùng, phải xây dựng lòng tin cho nông dân, người tiêu dùng đồng thời xây dựng chuỗi trong nông nghiệp từ sản xuất, tiêu thụ phân bón cũng như tiêu thụ những nông sản sạch cho bà con nông dân. Trong quá trình hoạt động Tập đòan luôn hướng đến người nông dân bởi nếu nông dân không sử dụng phân bón hóa học thì sẽ đảm bảo sức khỏe, qua đó cũng sản xuất nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng."
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, xác định đây là con đường tất yếu của nông nghiệp Việt Nam vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về phân bón hữu cơ bằng cách cụ thể hóa Luật Trồng trọt. Việc đưa phân bón hữu cơ vào canh tác hữu cơ, canh tác nông nghiệp sạch không chỉ là một trào lưu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, định dạng sản xuất nông nghiệp thời gian tới, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này:
Đối với doanh nghiệp đây là cơ hội, chúng ta có 15 triệu ha canh tác hàng năm với nhu cầu bình quân khoảng 80 triệu tấn phân hữu cơ cho canh tác 15 triệu ha, như vậy "dư địa" của lĩnh vực này là rất lớn. Đến năm 2020 giả sử đạt 3 triệu tấn thì như vậy tiềm năng thời gian tới còn rất lớn để tổ chức sản xuất trong khi đó nguyên liệu đầu vào chúng ta rất chủ động.
Về khu vực sản xuất đề nghị các địa phương triển khai Luật Trồng trọt, Nghị định 109 về sản xuất phân bón hữu cơ để tuyên truyền cho các đối tượng sản xuất từ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch là hướng đi tất yếu, không có con đường nào khác.